Kế hoạch 4855/KH-UBND năm 2017 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 4855/KH-UBND
Ngày ban hành 20/11/2017
Ngày có hiệu lực 20/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lưu Xuân Vĩnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4855/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 20 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP-VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2017-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020;

UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2017-2020, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới. Nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập phòng ngừa tai nạn lao động.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Số lao động phải giải quyết việc làm giai đoạn 2017-2020 bình quân mỗi năm từ 15.500-16.000 người. Trong đó từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm từ 1.200-1.500 người; xuất khẩu lao động 120-150 người (trong đó 30 lao động huyện Bác Ái thực hiện theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

- Đầu tư đồng bộ cho 5 nghề trọng điểm của Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ.

- Tuyển mới đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 2.800 người (bình quân hàng năm đào tạo 700 người), trong đó ở cấp độ quốc gia là 160 người (bình quân hàng năm đào tạo 40 người), cấp độ khu vực khoảng 240 người (bình quân hàng năm đào tạo 40 người) đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

- Đào tạo nguồn nhân lực vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số cho khoảng 10.400 người (bình quân hàng năm đào tạo 2.600 người); đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật ở các cấp trình độ bình quân hàng năm đào tạo khoảng 20 người.

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống 2% số lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2020.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua Trung tâm dịch vụ việc làm lên khoảng 70% năm 2020.

- Duy trì ổn định thị trường lao động ngoài nước hiện có và mở rộng thị trường mới, xác định thị trường trọng điểm, thị trường tiếp nhận lao động có trình độ phù hợp với lao động tỉnh nhà.

- Giảm tối thiểu tần suất tai nạn lao động chết người, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai thác khoáng sản, xây dựng, chế biến vật liệu xây dựng, điện.

- 100% số vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trung bình hàng năm tăng thêm 3% đến 5% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% người lao động làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

- Bình quân hằng năm giảm 20% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp phổ biến, đảm bảo 100% người lao động làm việc ở nơi có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp.

- Hằng năm tăng 10% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động.

- Có 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ được tuyên truyền, phổ biến thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

- 100% doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên.

- Hỗ trợ thí điểm 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN.

1. Đối tượng thực hiện Chương trình: Các Sở, ngành, đơn vị được giao vốn, kinh phí để thực hiện các dự án của Chương trình. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngành/nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường lao động. Các đơn vị tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

2. Phạm vi thực hiện: Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2017-2020.

[...]