Kế hoạch 4723/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 4723/KH-UBND
Ngày ban hành 21/11/2017
Ngày có hiệu lực 21/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Đức Hòa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4723/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 21 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020.

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm là quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội.

2. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3. Chuyển mạnh công tác đào tạo nghề từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

4. Nắm chắc thông tin cung - cầu lao động, tăng cường các hình thức hỗ trợ tư vấn học nghề và tư vấn việc làm đi đôi với đảm bảo môi trường làm việc theo pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, góp phần thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh nhà, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân lao động.

5. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm thành những đơn vị nồng cốt, trọng điểm đồng thời đẩy mạnh khuyến khích phát triển xã hội hóa các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm.

6. Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quốc gia.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới. Hỗ trợ tạo việc làm và phát triển thị trường lao động; an toàn lao động, vệ sinh lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đầu tư đồng bộ cho các ngành, nghề trọng điểm thuộc 03 trường: Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo đảm đủ điều kiện giáo dục nghề nghiệp ở các cấp độ.

- Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu các ngành/nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật ở các cấp trình độ (bình quân hàng năm đào tạo khoảng 300 người).

- Đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 3.000 người (bình quân hàng năm đào tạo 750 người), trong đó ở cấp độ khu vực ASEAN khoảng 240 người (bình quân hàng năm đào tạo 60 người) đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

- Giải quyết việc làm cho 96.000 lao động (bình quân hàng năm 24.000 người), trong đó:

+ Dự án vay vốn giải quyết việc làm: 4.800 lao động (bình quân hàng năm 1.200 người).

+ Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: 200 lao động (bình quân hàng năm 50 người).

+ Tư vấn, giới thiệu việc làm qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm: 16.000 lao động (bình quân hàng năm 4.000 người).

+ Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thu hút khoảng 75.000 lao động (bình quân hàng năm 18.750 người).

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3,5% vào cuối năm 2020.

- Trung bình hàng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.

- Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.

- Trung bình hàng năm tăng thêm 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.

- Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong các ban quản lý khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

[...]