Kế hoạch 4028/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 4028/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2019
Ngày có hiệu lực 11/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Hòa Hiệp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4028/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH ngày 24/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU, MỤC TIÊU

1. Mục đích - yêu cầu

a) Hỗ trợ đầu tư phát triển đảm bảo thực hiện đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xu thế hội nhập Quốc tế; gắn với việc thực hiện các chương trình, dự án đang triển khai về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, tránh chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí không hiệu quả.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về hướng nghiệp, học nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho tất cả người lao động từ nông thôn đến thành thị trên địa bàn tỉnh để người lao động nắm bắt thông tin, tìm kiếm việc làm nhanh chóng và hiệu quả; giáo dục ý thức chấp hành an toàn, vệ sinh lao động và phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

c) Kế hoạch được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có sự tham gia của tất cả các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm giảm tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xuống mức thấp nhất từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng đơn vị, địa phương nói riêng.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động, an toàn, vệ sinh lao động; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Dự án 1: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp:

Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của hai Trường: Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai và Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng Nai đủ điều kiện đào tạo một số nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo xu thế hội nhập Quốc tế.

- Dự án 2: Phát triển thị trường lao động và việc làm:

+ Tư vấn việc làm và học nghề trong đó: 70% số người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm và các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được giới thiệu việc làm và 60% trong số đó có kết nối việc làm thành công.

+ Hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho 200 thanh niên.

+ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 120.000 lượt thanh niên, 50 lượt người khuyết tật, 300 lượt người dân tộc thiểu số.

+ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho 5.000 lượt người lao động di cư.

- Dự án 3: Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động:

+ Trung bình hàng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người, trong đó chú trọng giảm trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng; xây dựng; sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất).

+ Mỗi năm, hỗ trợ thí điểm 05 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động.

+ Trung bình hàng năm hỗ trợ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động: 600 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 500 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và 100 an toàn, vệ sinh viên tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã.

+ Trung bình hàng năm, hỗ trợ phổ biến thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động đến 05 làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Thời gian: Từ năm 2019 - 2020.

[...]