Kế hoạch 4707/KH-UBND năm 2021 về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương năm 2022

Số hiệu 4707/KH-UBND
Ngày ban hành 24/12/2021
Ngày có hiệu lực 24/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Minh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4707/KH-UBND

 Hải Dương, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH HẢI DƯƠNG NĂM 2022

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch số 4347/KH-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Hải Dương năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của các bộ, ngành và của tỉnh về công tác CCHC.

- Triển khai công tác CCHC trong tình hình bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh.

- Tiếp tục nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh.

- Cải thiện và nâng cao sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xây dựng các nhiệm vụ công tác CCHC năm 2022 phải cụ thể, chi tiết rõ các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện mục tiêu, các hoạt động cụ thể được thể hiện dưới hình thức các kết quả, sản phẩm và bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

- Triển khai đúng, đủ, toàn diện, hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Tiếp tục lấy CCHC là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với tập thể, cá nhân.

II. CÁC CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

a) Chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện công tác CCHC đúng tiến độ, đạt hiệu quả.

b) Triển khai Kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2022, thực hiện bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác CCHC của cơ quan, đơn vị.

c) Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền các nội dung về dịch vụ hành chính công.

d) Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC thể hiện trong quy chế của cơ quan, đơn vị.

đ) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ.

e) Triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của cơ quan, đơn vị; Tiếp tục tổ chức chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã.

g) Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ báo cáo định kỳ. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Cải cách thể chế

a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

- Ban hành đầy đủ, đúng thời gian các văn bản QPPL quy định.

- Sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trong lĩnh vực xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

b) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp. Tăng cường kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, ngưng hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

[...]