Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 4617/KH-UBND năm 2021 về nâng cao đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 4617/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2021
Ngày có hiệu lực 29/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4617/KH-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO ĐÓNG GÓP CỦA NĂNG SUẤT CÁC NHÂN TỐ TỔNG HỢP (TFP) VÀO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2022-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 6,03%, tốc độ tăng TFP bình quân của tỉnh đạt 2,72%/năm, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 35,95%. Tăng TFP đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng TFP bình quân 2,51%/năm, tăng giá trị gia tăng 6,42%/năm và tăng TFP đóng góp 39,09% vào tăng giá trị gia tăng. Khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng TFP 3,45%/năm, tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 11,65%/năm, đóng góp của tăng TFP vào tăng giá trị gia tăng là 29,61%. Khu vực dịch vụ tăng TFP bình quân 1,28%/năm, tăng giá trị gia tăng 6,35%/năm và tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng giá trị gia tăng là 20,12%. Tỷ lệ tăng giá trị gia tăng từ tiến bộ công nghệ đạt được bình quân 2,7%/năm, tiến bộ công nghệ đang có xu hướng tăng theo thời gian và đóng góp ngày càng cao hơn tới tăng năng suất. Kết quả này khẳng định tiến bộ công nghệ là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy tăng năng suất.

Tuy nhiên, đóng góp của tăng năng suất TFP của tỉnh Kon Tum vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào tăng vốn đầu tư, tiến bộ công nghệ chưa đóng vai trò chủ đạo.

Để triển khai thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra[1], căn cứ điều kiện cụ thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch “Nâng cao đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030” như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Đưa năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Yêu cầu: Các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch đảm bảo tính khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh; có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị; thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Kế hoạch đề ra một cách đồng bộ, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2022-2025: Để thực hiện được mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân từ 10%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế theo GRDP với tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 19-20%, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đạt 32-33%, nhóm ngành dịch vụ đạt 42-43%, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19 còn kéo dài, phức tạp, trên cơ sở các kịch bản dự báo, phấn đấu giai đoạn 2022-2025 tăng suất lao động khoảng 7,5%/năm; đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế khoảng 40%.

2. Định hướng đến năm 2030: Phấn đấu tăng suất lao động khoảng 8%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế khoảng 45%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp chung

Các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2020/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp có liên quan trực tiếp đến tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP): phát triển các khu vực kinh tế (Nông lâm thủy sản; Công nghiệp và Xây dựng; Dịch vụ); thu hút đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng; tái cơ cấu kinh tế; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các thành phần kinh tế; cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; chuyển đổi số…

Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ quan thực hiện: Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch.

Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2. Nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

a. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 4485/KH-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025

Tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Đổi mới việc xác định, triển khai nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học và công nghệ ưu tiên được xác định tại Kế hoạch số 4485/KH-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025 có 60% và đến năm 2030 có 70% kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có sử dụng kinh phí từ ngân sách và ngoài ngân sách nhà nước được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý, sản xuất và đời sống; hàng năm có khoảng 10% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

- Triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết do tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp và tổ chức khác để xác định, thực hiện phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa theo quy định của Điều 38 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ.

- Thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh đặt hàng công nghệ, xây dựng và thực hiện các dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, mô hình sản xuất, kinh doanh mới có tốc độ tăng trưởng nhanh.

- Hàng năm dành 70% đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở có sử dụng ngân sách nhà nước có sự tham gia của doanh nghiệp, trực tiếp phục vụ doanh nghiệp ứng dụng tạo ra sản phẩm mới; cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, sản phẩm có lợi thế, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ngành của tỉnh, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Kon Tum; Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Kon Tum và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Thời gian thực hiện: Hàng năm.

b. Tăng cường nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

[...]