Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2023 thực hiện Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội kỳ 2019-2023

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 07/02/2023
Ngày có hiệu lực 07/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI KỲ 2019 - 2023

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính Phủ) và Văn bản số 4305/BTP-KTrVB ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Bộ Tư pháp về việc tài liệu hướng dẫn triển khai nhiệm vụ Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2019 - 2023.

Để việc triển khai nhiệm vụ Hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ (05 năm một lần) được bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch và chỉ đạo thực hiện Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Kế hoạch Hệ thống hóa văn bản QPPL) trên địa bàn Thành phố kỳ 2019 - 2023 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU HỆ THỐNG HÓA

1. Mục đích:

a) Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ Hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023 và công bố Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực tính đến hết ngày 31/12/2023;

b) Thông qua việc Hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện về thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố, kiến nghị, đề xuất xử lý văn bản nhằm hoàn thiện pháp luật. Góp phần xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật; cập nhật kịp thời thông tin của văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu:

a) Hoạt động Hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023 cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như sau: Tập hợp đầy đủ văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa và kết quả rà soát văn bản kỳ 2019 - 2023; Tuân thủ trình tự thực hiện hệ thống hóa theo quy định tại Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); Kịp thời công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các Danh mục văn bản thể hiện kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023.

b) Đảm bảo việc thực hiện Hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, là một nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn Thành phố. Xác định rõ trách nhiệm của Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về nội dung công việc, thời hạn, hoàn thành, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện hệ thống hóa văn bản;

c) Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa Văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, của cơ quan giúp Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản và cơ quan có trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản; Giữa các cơ quan trực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Thành phố với các cơ quan khác trên địa bàn thành phố: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố...;

d) Xác định cụ thể tiến độ, thời gian hoàn thành công việc đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của Thành phố.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI HỆ THỐNG HÓA

1. Đối tượng văn bản hệ thống hóa:

Được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), bao gồm: Các văn bản trong Tập hệ thống hóa của kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018 đã được rà soát xác định còn liệu lực và các văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019 - 2023 đã được rà soát xác định còn liệu lực (gồm cả văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2019 - 2023 nhưng chưa có hiệu lực).

2. Phạm vi văn bản hệ thống hóa:

Phạm vi hệ thống hóa văn bản là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trên địa bàn Thành phố tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 qua rà soát xác định còn hiệu lực thi hành (bao gồm các văn bản được ban hành nhưng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 chưa có hiệu lực) thuộc trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa của Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ).

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Triển khai nhiệm vụ Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo Hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 4305/BTP-KTrVB ngày 02 tháng 11 năm 2022.

1.1. Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng, ban hành Kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch Hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023 trên địa bàn Quản lý.

a) Nội dung Kế hoạch: Xác định rõ: Mục đích, yêu cầu hệ thống hóa: Đối tượng, phạm vi hệ thống hóa; Thời gian, tiến độ thực hiện; Phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; Kinh phí và các điều kiện bảo đảm thực hiện Kế hoạch.

Cơ quan tham mưu: Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp.

b) Đơn vị thực hiện: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các Quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Chậm nhất là ngày 20 tháng 02 năm 2023 gửi Kế hoạch về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

1.2. Thành lập Tổ rà soát, hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023.

a) Thành lập Tổ rà soát, hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 - 2023 của các cơ quan theo yêu cầu Kế hoạch.

Tổ rà soát, hệ thống hóa văn bản của Thành phố, gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp là Tổ trưởng, Lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố và thành viên là Đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

[...]