Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2022
Ngày có hiệu lực 10/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG DỮ LIỆU VỀ DÂN CƯ, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06/CP), Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 05 nhóm tiện ích như sau: (l) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp

1.2. Xây dựng bộ dữ liệu gốc trên nền tảng dữ liệu dân cư số, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc, mang tính kết nối, chia sẻ, gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong xã hội.

1.3. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian đi lại của công dân.

1.4. Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát triển trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh của quốc gia nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng; gắn kết với năng lực quản trị Nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội.

2. Yêu cầu

2.1. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các Sở, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

2.2. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung của Đề án đến toàn bộ cán bộ công chức, viên chức, chiến sỹ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và tính thiết thực trong việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

2.3. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể, xuyên suốt đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện, phường, xã trong quá trình triển khai thực hiện. Đảm bảo quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thống nhất trong thực hiện.

2.4. Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật thông tin và toàn vẹn dữ liệu.

II. PHẠM VI, THỜI GIAN TRIỂN KHAI

1. Phạm vi triển khai: Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương từ cấp thành phố đến cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

2. Thời gian triển khai: Bắt đầu từ tháng 02 năm 2022.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nghiên cứu tổng hợp những vấn đề từ thực tiễn cần phải điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất đưa vào dự thảo các văn bản liên quan chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư

- Cơ quan chủ trì: Văn phòng UBND thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Công an thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và UBND các quận, huyện, phường, xã.

2. Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

2.1. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp thành phố phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Công an thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện, phường, xã.

- Thời gian thực hiện: Trong tháng 02 năm 2022.

2.2. Triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu tại Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh.

- Cơ quan chủ trì: Công an thành phố.

[...]