Kế hoạch 4575/KH-UBND năm 2018 về tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 4575/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2018
Ngày có hiệu lực 07/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H'Yim Kđoh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4575/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 07 tháng 06 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ VÀ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG DẠY - HỌC, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2018-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Triển khai Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích

Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

- Đảm bảo tính thống nhất giữa việc triển khai các nội dung của Kế hoạch và các đề án/ chương trình ứng dụng CNTT của tỉnh đang triển khai trong ngành giáo dục và đào tạo, tránh chồng chéo, lãng phí.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục, góp phần hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2020

2.1.1. Trong công tác quản lý, điều hành:

- Hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục và đào tạo;

- Phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng;

- 40% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến;

- 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning);

- 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.

2.1.2. Trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý:

- Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: Hình thành kho học liệu số dùng chung toàn ngành, gồm: Bài giảng, ngân hàng đề, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác;

- Phấn đấu 90% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX) và Cao đẳng sư phạm ứng dụng CNTT trong quản lý nhà trường; trong đó, sử dụng sổ điểm điện tử đạt 70% ở các trường từ tiểu học đến trung học và hướng tới sử dụng học bạ điện tử theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

- Duy trì và phát triển các các chức năng tra cứu thông tin tốt nghiệp THPT, văn bằng, chứng chỉ, thông tin về đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục, hệ thống các đề thi, giáo án điện tử, dữ liệu học tập, các văn bản quản lý, điều hành trên hệ thống website của ngành giáo dục và đào tạo.

2.2. Định hướng đến năm 2025

- Mức độ ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin trở thành động lực đổi mới quản lý, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá trong giáo dục và đào tạo.

- Phấn đấu 80% các cuộc họp, giao ban, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn giữa cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục các cấp được thực hiện trên hệ thống họp, tập huấn trực tuyến. Nâng cấp hệ thống họp, tập huấn trực tuyến cấp tỉnh; từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống họp, tập huấn trực tuyến cấp huyện; Xây dựng mô hình dạy học, dự giờ, thao giảng trực tuyến trên mạng Internet ở các trường THPT và mở rộng đến các trường THCS, trường Tiểu học.

- 100% các trường học sớm chuyển đổi kết nối Internet băng thông rộng nhằm phục vụ giảng dạy và học tập, nhất là khai thác dữ liệu phục vụ dạy học, tổ chức các chương trình thi trực tuyến trên mạng do Bộ GDĐT, Sở GDĐT tổ chức; thi thử tốt nghiệp, đại học; giáo viên thực hiện nhập điểm, học sinh tra cứu điểm trên mạng...

[...]