ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 456/KH-UBND
|
Đắk
Nông, ngày 10 tháng 8 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ VẤN NGHỀ NGHIỆP, VIỆC LÀM VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP
TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Thực hiện Thông tư số
07/2022/TT-BGDĐT ngày 23/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định
công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở
giáo dục; Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai công tác
tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục
trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (viết tắt là Kế hoạch), như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Hỗ trợ học sinh, sinh viên phát hiện
khả năng, năng khiếu của bản thân để định hướng học tập, phát triển chuyên môn,
nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường, sức khỏe của bản
thân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
- Giúp cho học sinh, sinh viên tích
lũy kiến thức, kỹ năng để thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo hình thành các ý tưởng,
giải pháp mới tạo giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương
pháp tư vấn đối với cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được bố trí kiêm nhiệm
thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học
sinh trong các cơ sở giáo dục.
2. Yêu cầu
Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm
và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu
quả, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh
Đắk Nông.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC
TRẠNG CÔNG TÁC TƯ VẤN NGHỀ NGHIỆP, VIỆC LÀM VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TRONG CÁC CƠ
SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
1. Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc
làm
- Trong những năm trở lại đây, công
tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm đã nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh,
học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về nghề nghiệp cũng
như định hướng tương lai cho học sinh còn khá nhiều bất cập. Hiện nay các em
đang gặp phải không ít khó khăn như: thiếu sự tư vấn nghề nghiệp bài bản từ
phía nhà trường, không am hiểu về thị trường lao động, không được cập nhật
thông tin và xu hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội, giáo dục nghề
nghiệp mang nặng tính lý thuyết, thiếu trải nghiệm thực tế,... Đây cũng chính
là một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng tư vấn nghề nghiệp, việc làm
còn thiếu hiệu quả trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay.
- Ngoài ra, công tác tư vấn nghề nghiệp,
việc làm trong các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế do đội ngũ cán bộ quản lý,
giáo viên kiêm nhiệm thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm chưa được
đào tạo chuyên sâu về tâm lý học nghề nghiệp, cũng như cập nhật thông tin về dự
báo nhu cầu sử dụng lao động các ngành nghề, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công
tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, một số
trường chưa thật sự quan tâm đến công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm mà chủ yếu tập trung đến việc hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục, thiêu
sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất,
doanh nghiệp trên địa bàn.
- Việc cung cấp các tài liệu, hình ảnh,
video clip, công cụ đánh giá năng lực, năng khiếu của học sinh, nội dung chương
trình thực hành, trải nghiệm tại doanh nghiệp, tài liệu tuyên truyền, giáo dục
về đổi mới sáng tạo, giáo dục khởi nghiệp và cung cấp đầy đủ thông tin về chính
sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước, ngành Giáo dục, địa phương cho giáo viên,
học sinh còn gặp nhiều hạn chế.
2. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp
- Công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức về tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo và định
hướng, khuyến khích tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi
nghiệp và cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, lập
nghiệp và đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên trong
thời gian học tập tại các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
- Công tác phối hợp để tạo môi trường
trải nghiệm, hướng nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của các doanh nghiệp đối với
các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tuy nhiên còn mang tính
chất sơ khai.
- Một số học sinh, sinh viên còn ngại
khó khăn, thiếu tính năng động, sáng tạo; chưa mạnh dạn thực hiện ý tưởng khởi
nghiệp; việc cân đối giữa học tập ở trường và tham gia các hoạt động khởi nghiệp
còn chưa hợp lý. Ngoài ra, một số học sinh, sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa
chưa có nhiều kiến thức về khởi nghiệp, chưa có điều kiện tham gia các hoạt động
khởi nghiệp,... Vì vậy, các dự án, ý tưởng có tính khả thi, thực tiễn khó có cơ
hội đưa vào cuộc sống.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM
VI, MỤC TIÊU KẾ HOẠCH
1. Đối tượng, phạm vi
a) Đối tượng: Học sinh, sinh viên, học
viên đang học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên
địa bàn tỉnh Đắk Nông; cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm thực hiện công tác
tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục
trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
b) Phạm vi: Các Sở, Ban, ngành, hội,
đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ sở giáo dục, cơ sở
giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và đơn vị có liên quan.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong
công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh
viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, hình thức triển khai công tác tư vấn
nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp phải phù hợp với nhận thức, trình độ
và đáp ứng nhu cầu của người học đối với từng cấp học, trình độ đào tạo và thực
tiễn của mỗi khu vực,...
b) Mục tiêu cụ thể
- 100% các cơ sở giáo dục hằng năm
xây dựng kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi
nghiệp theo quy định tại Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp
trong các cơ sở giáo dục.
- 100% học sinh, sinh viên tại các cơ
sở giáo dục được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến
thức, kỹ năng về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp
trước khi tốt nghiệp.
- 100% các cơ sở giáo dục thực hiện
công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia “Ngày hội khởi
nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên” và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý
tưởng khởi nghiệp” hằng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
- 100% các cơ sở giáo dục thực hiện
công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên sử dụng, khai thác nguồn
thông tin, học liệu từ Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc
gia đến năm 2025”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch
số 278/KH-UBND ngày 27/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đắk
Nông năm 2022.
- Hằng năm, các
cơ sở giáo dục tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm
cho học sinh tối thiểu 01 lần/năm học; tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng
cho sinh viên tối thiểu 01 lần/năm học.
- Phấn đấu các cơ sở giáo dục, cơ sở
giáo dục nghề nghiệp công lập có ít nhất 01 giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ
tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên
môn, nghiệp vụ.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tư vấn nghề nghiệp, việc
làm
a) Đối với cấp tiểu học
- Giáo dục cho học sinh nhận biết
công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở
địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản thông qua hình thức tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường.
- Tổ chức cho học sinh tìm hiểu một số
nghề nghiệp, việc làm phổ biến ở Việt Nam thông qua các học cụ, công cụ lao động,
hình ảnh, video clip và các hoạt động sân khấu hóa phù hợp với điều kiện thực tế
của từng trường.
- Tạo môi trường,
hỗ trợ học sinh nhận biết các nghề nghiệp, việc làm thông qua hoạt động tham
quan, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối
tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm
phù hợp với điều kiện của nhà trường.
- Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu,
rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua quá trình học tập, các hoạt động câu lạc
bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động phối hợp với các đối tác.
b) Đối với cấp trung học cơ sở
- Giáo dục học sinh có ý thức, thái độ
tích cực về lao động, nghề nghiệp, việc làm; hướng dẫn học sinh khám phá sở
thích, năng lực, sở trường, nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân thông qua hình
thức tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường.
- Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, nắm
bắt xu hướng dịch chuyển nghề nghiệp, việc làm thông qua hình ảnh, video clip,
các tài liệu, học cụ, công cụ lao động về nghề nghiệp, việc làm.
- Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh được
trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế về các nhóm ngành nghề, việc làm thông
qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn
vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của từng
nhà trường.
- Tư vấn, hướng dẫn học sinh khám
phá, nhận biết, phát triển năng khiếu, năng lực, sở trường, nguyện vọng về nghề
nghiệp, việc làm thông qua quá trình học tập, rèn luyện.
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, rèn
luyện kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông
qua các hoạt động câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động phối
hợp với các đối tác.
c) Đối với cấp trung học phổ thông
- Giáo dục học sinh phát triển phẩm
chất, năng lực bản thân và xác định nguyện vọng, sở thích nghề nghiệp thông qua
hình thức tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà
trường.
- Tổ chức cho học sinh tìm hiểu yêu cầu
về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngành nghề, việc làm
thông qua các học cụ, công cụ lao động, tài liệu về nghề nghiệp, việc làm.
Trong đó chú trọng nắm bắt thông tin, dự báo cho học sinh xu hướng nghề nghiệp
chuyển dịch trong những năm tới để học sinh có thể xác định
những ngành nghề phù hợp.
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, rèn
luyện kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các hoạt động câu
lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động phối hợp với các đối tác.
- Tổ chức cho học sinh được trải nghiệm, thực hành đối với các nhóm ngành nghề, việc làm đã được
tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng, doanh nghiệp,
cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 01 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều
kiện của từng nhà trường.
d) Đối với hoạt động đào tạo trình độ
đại học
- Hướng dẫn sinh viên, học viên khai
thác cơ sở dữ liệu thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông
tin về nhu cầu thị trường lao động.
- Cung cấp công cụ, phương pháp và hướng
dẫn sinh viên đánh giá kỹ năng, thái độ, khả năng thích ứng với thị trường lao
động.
- Tổ chức rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp,
việc làm cho sinh viên thông qua các hoạt hoạt động xã hội, các hoạt động ngoại
khóa.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức,
rèn luyện kỹ năng cho sinh viên, học viên thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc
bộ, các hoạt động ngoại khóa và hoạt động đào tạo, trải nghiệm tại đơn vị sử dụng
lao động, hoạt động phối hợp với các đối tác.
2. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp
a) Đối với cấp trung học cơ sở
- Tổ chức tuyên truyền cho học sinh về
các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương
trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền
thông.
- Tổ chức bồi dưỡng, cung cấp kiến thức,
kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp.
- Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu
khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành
các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
- Phối hợp với các đối tác tổ chức
cho học sinh thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp.
b) Đối với cấp trung học phổ thông
- Tổ chức tuyên
truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc
lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các
phương tiện truyền thông.
- Tổ chức bồi dưỡng, cung cấp kiến thức,
kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp.
- Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu
khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành
các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
- Tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu
truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh tối thiểu 01 lần/năm học.
- Phối hợp với các đối tác tạo môi
trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp
và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các tổ chức ươm tạo
doanh nghiệp.
c) Đối với hoạt động đào tạo trình độ
đại học
- Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động
đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên, học viên thông qua hoạt động đào tạo,
hoạt động ngoại khóa, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.
- Xây dựng chương trình đào tạo,
chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho
sinh viên theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn.
- Giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền
thụ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thông qua triển khai “Tuần sinh hoạt
công dân - Học sinh, sinh viên”.
- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện
nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho
sinh viên thông qua chương trình đào tạo, nghiên cứu tài liệu, hoạt động ngoại
khóa, phương tiện công nghệ thông tin, hoạt động phối hợp với các đối tác.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các
câu lạc bộ sinh viên, học viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
- Tổ chức thực hành, triển khai các dự
án khởi nghiệp cho sinh viên, học viên thông qua hoạt động phối hợp với các đối
tác; tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày,
giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Lồng ghép các nguồn ngân sách nhà nước,
nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp các nguồn
kinh phí huy động xã hội hóa và nguồn đóng góp, vận động tài trợ hợp pháp khác (nếu có) để đảm bảo thực hiện kế hoạch.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh thực hiện Kế hoạch; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả triển
khai thực hiện Kế hoạch trước ngày 30/12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất (nếu
có) theo quy định.
- Chủ trì, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc
các cơ sở giáo dục, đơn vị liên quan triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc
làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bảo
đảm theo yêu cầu của Kế hoạch này.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp
với các đối tác tổ chức các hoạt động về tư vấn nghề nghiệp, việc làm, đổi mới
sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, học viên; hỗ trợ, tạo điều kiện
cho học sinh tham gia các hoạt động, sự kiện về tư vấn nghề nghiệp, việc làm và
hỗ trợ khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các bộ, ngành, địa phương tổ
chức.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục cung cấp
cho giáo viên, học sinh các tài liệu, hình ảnh, video clip, công cụ đánh giá
năng lực, năng khiếu của học sinh, nội dung chương trình thực hành, trải nghiệm
tại doanh nghiệp, tài liệu tuyên truyền, giáo dục về đổi mới
sáng tạo, giáo dục khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, cung cấp
đầy đủ thông tin về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước, ngành Giáo dục,
địa phương cho học sinh.
- Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản
lý, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi
nghiệp trong các cơ sở giáo dục tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan tổ chức.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tình biểu
dương, khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục và các tổ chức,
cá nhân có liên quan tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác tư vấn nghề nghiệp,
việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
- Chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trên địa bàn tỉnh đổi mới nội dung, xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp,
nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, mở rộng
ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu của học sinh sau tốt nghiệp.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp tại địa phương phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai các
hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp; tuyên truyền, giới
thiệu ngành nghề đào tạo, chuẩn đầu ra và xu hướng việc làm của thị trường lao
động, quy định về tuyển sinh nghề, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và
điều kiện kinh tế gia đình.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
trong việc triển khai, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng
cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm
và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải
nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng cho các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo
dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Lồng ghép các hoạt động hỗ trợ học
sinh, sinh viên, học viên khởi nghiệp với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ
trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho
các đối tượng là học sinh, sinh viên, học viên có cơ hội, động lực tham gia các
cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh tổ chức.
- Nắm bắt, dự báo đánh giá chuyển dịch
xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và
các đơn vị liên quan thông tin cho học sinh, sinh viên, học viên được biết nhằm
xác định ngành nghề phù hợp.
4. Sở Tài chính
Cân đối, tham mưu cấp có thẩm quyền đảm
bảo kinh phí thực hiện các nội dung của kế hoạch theo đúng
quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
5. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách đối
với giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi
nghiệp trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
công lập.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các địa phương chỉ đạo
các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao
nhận thức cho toàn xã hội về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, đổi mới
sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, học viên.
7. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh tỉnh; Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Đắk Nông
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
tổ chức tuyên truyền chính sách, chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên, học
viên khởi nghiệp đến các đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
- Hỗ trợ các hoạt
động tư vấn tuyển sinh và công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên là học
sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động về
lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh
bằng các hình thức đa dạng, phù hợp; đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô
hình thanh niên khởi nghiệp thành công và thanh niên làm kinh tế giỏi để nâng
cao nhận thức về nghề nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk
Nông, Báo Đắk Nông
Tích cực phối hợp với cơ quan có liên
quan để thực hiện Kế hoạch, mở các chuyên mục tuyên truyền công tác tư vấn nghề
nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục
nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
9. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh
- Khuyến khích, hướng dẫn các doanh
nghiệp phối hợp với ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề
nghiệp trong việc thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm.
- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành,
đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh
viên, học viên khởi nghiệp đến các doanh nghiệp.
- Tích cực giới thiệu, tạo điều kiện
để học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến
tham quan, thực tập, thực hành và quảng bá, phát triển sản phẩm khởi nghiệp tại
các doanh nghiệp.
10. Các cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa
bàn tỉnh có phối hợp liên kết tổ chức đào tạo trình độ đại học trên địa bàn tỉnh
Đắk Nông
Phối hợp với cơ sở chủ trì tổ chức
liên kết đào tạo triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung về công tác tư vấn
nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên tại điểm d khoản 1; điểm c khoản 2 mục IV Kế hoạch này và
các nội dung có liên quan theo quy định tại Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo
và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tư vấn
nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, cơ sở
giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
- Lồng ghép các hoạt động tư vấn nghề
nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ sở giáo dục trên địa bàn vào
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án, dự án, khởi nghiệp
của địa phương.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về công tác tư vấn
nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh
tham gia các hoạt động, sự kiện về tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi
nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các bộ, ngành, địa phương và tổ chức.
- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả
triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn quản lý về Sở Giáo dục và Đào tạo
để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Biểu dương, khen thưởng các doanh
nghiệp, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực,
hiệu quả vào công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp của
các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch triển khai công
tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục
trên địa bàn tỉnh Đắk Nông của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thủ trưởng các Sở, ngành,
đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai
thực hiện theo quy định. Định kỳ (trước ngày 30/11 hằng
năm) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) về kết quả
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo
(b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TC, KH&ĐT, NV, TT&TT;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Đoàn TNCS HCM tỉnh;
- Trường CĐCĐ Đắk Nông;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội doanh nhân trẻ tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Đắk Nông, Đài PT&TH Đắk Nông;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX(Vn).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|