Kế hoạch 4315/KH-UBND năm 2018 về triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 4315/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2018
Ngày có hiệu lực 12/07/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Thuế - Phí - Lệ Phí

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4315/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 12 tháng 07 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT VÀ ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI CÁC DỊCH VỤ CÔNG: THUẾ, ĐIỆN, NƯỚC, HỌC PHÍ, VIỆN PHÍ VÀ CHI TRẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

a) Tạo sự chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong thanh toán đối với tổ chức, cá nhân; giảm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt;

b) Đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt;

c) Thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa các chủ thể (tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và chính quyền) của nền kinh tế;

d) Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế;

đ) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, mở rộng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020, đạt được những mục tiêu cụ thể như sau:

a) Trên 95% số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản; khoảng 50% cá nhân, hộ gia đình tại các thành phố và trung tâm các huyện thuộc tỉnh sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng;

b) Phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS/mPOS), bình quân mỗi năm các ngân hàng thương mại trên địa bàn lắp đặt tăng thêm khoảng 250 máy POS/mPOS; đến cuối năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh lắp đặt và đưa vào sử dụng khoảng 2.000 máy POS/mPOS, nâng số lượng giao dịch qua máy POS/mPOS đạt khoảng 400.000 giao dịch/năm;

c) Đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước: Trên 85% giao dịch nộp thuế tại các thành phố thuộc tỉnh; 80% giao dịch nộp thuế tại cấp huyện thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện được trang bị thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán qua ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước;

d) Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện: 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua ngân hàng; 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng tại địa bàn thành phố; 50% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng tại địa bàn huyện;

đ) Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: 100% công ty cấp nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình tại địa bàn thành phố thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng;

e) Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 100% trường đại học, cao đẳng, trung cấp chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nộp học phí qua ngân hàng;

g) Đối với dịch vụ thanh toán viện phí: 100% bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa tại địa bàn thành phố thuộc tỉnh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng;

h) Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội: Phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố thuộc tỉnh được thực hiện qua ngân hàng;

i) Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hàng hóa tại các thành phố và trung tâm các huyện thuộc tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ hoặc các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng;

k) Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phù hợp với điều kiện, đặc điểm của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; qua đó khuyến khích và thúc đẩy người dân tham gia các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên tại trung tâm thành phố và trung tâm các huyện có tài khoản tại ngân hàng ở mức 70% trở lên vào cuối năm 2020; tổng số tài khoản thẻ trên địa bàn đạt ở mức 800.000 tài khoản vào cuối năm 2020.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung:

1.1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền:

a) Tăng cường phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt, những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện nộp thuế, trả tiền điện, nước, học phí, viện phí,... và chi trả an sinh xã hội.

b) Các đơn vị cung ứng dịch vụ công phối hợp với ngành ngân hàng, đơn vị truyền thông tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, quảng bá các hình thức thanh toán phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; qua đó khuyến khích và thúc đẩy người dân tham gia các dịch vụ thanh toán; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Đồng thời, xây dựng và lồng ghép các nội dung về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các chương trình phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính cho người dân (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn).

1.1. Phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và dịch vụ thanh toán bán lẻ:

a) Tiếp tục phát triển (cả về số lượng, chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, hiệu quả mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ (POS) trên địa bàn tỉnh ở những nơi điều kiện cho phép, đặc biệt là khu vực nông thôn, như: bệnh viện, trung tâm y tế, cửa hàng, cơ sở bán lẻ,...phù hợp với nhu cầu và giúp người dân từng bước có thói quen sử dụng thẻ trong thanh toán. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch ATM, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ lợi ích của khách hàng; mở rộng mạng lưới ATM đến khu vực nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng;

[...]