Kế hoạch 426/KH-UBND năm 2016 thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2016–2020 tỉnh An Giang

Số hiệu 426/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2016
Ngày có hiệu lực 10/08/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 426/KH-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 TỈNH AN GIANG

Căn cứ Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01tháng 6 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã khẩn trương rà soát hệ thống các chính sách an sinh xã hội (ASXH) do Trung ương, tỉnh đã ban hành và đang thực hiện, qua đó đã phân loại được 07 nhóm chính sách ASXH và 07 nhóm đối tượng thụ hưởng, với 115 chính sách ASXH còn hiệu lực thi hành. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình đời sống nhân dân lao động, quan tâm chăm lo hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS), đối tượng bảo trợ xã hội… tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Để nền kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, vấn đề đặt ra là phải tăng cường thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách đảm bảo ASXH giai đoạn 2016 – 2020 với những nội dung chính như sau:

I. Tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội:

1. Tình hình chung:

Thứ nhất, đến cuối năm 2015, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho một số đối tượng ASXH như: người nghèo, người cận nghèo, DTTS… đã đi vào giai đoạn kết thúc. Đây là cơ hội để sắp xếp và ban hành chính sách an sinh xã hội một cách có hệ thống, hợp nhất và linh hoạt. Những nhóm chương trình, chính sách nào có tính tương đồng cao thì cần gộp lại và thống nhất các quy định, giảm thiểu gánh nặng hành chính khi thực hiện, tăng cường mức độ bao phủ và cấp, phát đến người dân.

Thứ hai, đảm bảo ngân sách hỗ trợ là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của chương trình. Các chính sách trong tương lai phải tính đến mục tiêu ưu tiên, yếu tố địa lý, khả năng ngân sách… để tránh tình trạng dàn trải, chia đều như hiện nay. Mức hỗ trợ cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng, theo hướng linh hoạt và đảm bảo đủ đế thực hiện được mục tiêu nêu ra. Hỗ trợ manh mún và kéo dài là nguyên nhân dẫn đến thất thoát, kém hiệu quả.

Thứ ba, dù là người dễ bị tổn thương nhưng các đối tượng thụ hưởng rất khác nhau về khả năng và nhu cầu. Vì thế, việc xác định nhóm đối tượng thụ hưởng phải dựa trên thông tin tin cậy về những yếu tố này. Cơ chế và quy trình xác định đối tượng cần được nghiên cứu sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn để ứng phó kịp thời với những thay đổi mà người yếu thế dễ dàng gặp phải do thiên tai, khủng hoảng kinh tế…

Thứ tư, trợ cấp nhằm mục tiêu phát triển sản xuất có thể hỗ trợ bằng hiện vật nhưng phải phân cấp cho cấp xã để đảm bảo hỗ trợ trên cơ sở nhu cầu.

Thứ năm, hộ nghèo không có sức lao động - nhóm chiếm khoảng 5-10% trong danh sách hộ nghèo hiện nay - cần được đưa ra khỏi danh sách thuộc chương trình giảm nghèo (bao gồm tín dụng, dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ cây, con giống, thuốc sâu, hay công cụ sản xuất…) mà thay vào đó là các chương trình trợ cấp xã hội.

Chương trình, chính sách có thành công hay không phụ thuộc rất lớn về nguồn nhân lực. Tổ chức đào tạo đội ngũ có chuyên môn sâu hết sức quan trọng, cần thiết cho việc hỗ trợ người thụ hưởng định hướng tốt hơn, phù hợp với với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Đồng thời có chế độ đãi ngộ tương xứng, phù hợp với điều kiện làm việc và cuộc sống thì mới thúc đẩy họ chuyên tâm với công việc. Một hướng đi quan trọng cho việc này là phát triển đào tạo cán bộ làm công tác xã hội.

2. Một số vấn đề cần lưu ý:

2.1. Về vấn đề giảm nghèo và bất bình đẳng

Qua rà soát cho thấy đời sống của đại đa số người dân có đi lên nhưng cũng có sự khác biệt rõ nét trong mức độ thay đổi của những nhóm dân cư trong cộng đồng. Nhóm cư dân có lợi thế về điền sản, học vấn và dân trí đang gia tăng tốc độ làm giàu, ngày càng bỏ xa nhóm nghèo.

Kiện toàn, củng cố bộ máy lãnh đạo và các tổ chức hội đoàn ở cấp xã - ấp để họ thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người nghèo. Cán bộ xã ấp và cán bộ đoàn thể tham gia xóa đói giảm nghèo cần được đào tạo và nâng cao năng lực, trong đó có những kỹ năng thực hành cụ thể như: Kỹ năng vận động cộng đồng, kỹ năng điều khiển cuộc họp, kỹ năng phân loại giàu nghèo, kỹ năng phỏng vấn hộ, kỹ năng sắp xếp và lưu trữ thông tin liên quan đến xóa đói giảm nghèo.

2.2. Về rủi ro và bảo trợ xã hội.

Tăng cường công tác giáo dục và truyền thông nhằm nâng cao dân trí, nâng cao năng lực cho người nghèo, giúp họ có khả năng phòng ngừa, nhận biết nguy cơ và ứng phó tốt nhất trong trường hợp xảy ra rủi ro.

Phần lớn các hộ nghèo đều không đủ khả năng ứng phó tốt nhất đối với các rủi ro và nguy cơ bối cảnh tổn thương. Nhà nước cần tăng cường khả năng dự báo, tăng cường tính minh bạch, tăng cường và đổi mới công tác truyền thông để mọi hộ nghèo đều có thể tiếp cận thông tin nhanh nhất.

Việc hỗ trợ y tế thông qua cấp thẻ bảo hiểm cần tính đến sự liên thông giữa các tuyến, các địa phương để cho những người nghèo đi lao động ngoài tỉnh cũng có thể sử dụng được dịch vụ này một cách thuận tiện, được điều trị miễn phí ở mọi bệnh viện trong vùng hoặc trên cả nước.

2.3. Về sản xuất nông nghiệp – nông thôn.

Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ thực vật và thú y luôn phải được xem như những hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp người dân phòng chống rủi ro. Cần kiện toàn hệ thống cán bộ khuyến nông cấp xã, tăng cường đào tạo để bổ sung cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở để đảm bảo họ có đủ năng lực bảo trợ cho nền sản xuất nông nghiệp tại chỗ, đảm bảo thu nhập ổn định cho các hộ dân có ruộng; bằng cách đó, cũng có thể góp phần đảm bảo thu nhập cho những người nghèo không có đất phải đi làm thuê, làm mướn.

2.4. Về chính sách tín dụng.

Có chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi đào tạo dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm… Triển khai tập trung các chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng thụ hưởng để tạo việc làm và có thu nhập ổn định…

II. Mục tiêu yêu cầu:

1. Mục tiêu:

Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

[...]