Kế hoạch 4220/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chương trình về “Một số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 4220/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2013
Ngày có hiệu lực 17/06/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4220/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 6 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY VỀ “MỘT SỐ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2012-2020”

Căn cứ Chương trình số 18-CT/TU ngày 06/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt sâu sắc Chương trình số 18-CT/TU ngày 06/12/2012 của Ban Thương vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “một số chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020”; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức và nhân dân trong thực hiện một số chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn thành phố.

- Cụ thể hóa những nội dung của Chương trình số 18-CT/TU thành Kế hoạch hành động cụ thể của Ủy ban nhân dân thành phố để thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

- Thể hiện đầy đủ, rõ ràng những giải pháp, nhiệm vụ có tính hệ thống, những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ nay đến năm 2020. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu được đề ra tại Chương trình số 18-CT/TU ngày 06/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung giải quyết những trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công đặc biệt là những người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và những người tham gia bảo vệ Tổ quốc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

- Đầu tư phát triển cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng cho người có công, đảm bảo cho người có công có cuộc sống vật chất và tinh thần ổn định.

- Huy động các nguồn lực hỗ trợ về nhà ở cho các gia đình người có công; đảm bảo tất cả người có công có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ, làm mới, sửa chữa đảm bảo chắc chắn, góp phần ổn định cuộc sống.

- Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” huy động toàn xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng; đảm bảo gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

- Lựa chọn địa điểm và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các nghĩa trang liệt sỹ thành phố có quy mô 2.500 - 3.000 ngôi mộ để quy tập hài cốt liệt sỹ của các địa phương không có điều kiện xây dựng nghĩa trang liệt sỹ riêng; thường xuyên cải tạo, tu bổ nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ của các địa phương và thành phố.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công tại các địa phương; thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết không để tồn đọng đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

2. Thực hiện chính sách lao động, việc làm và dạy nghề

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ tạo việc làm Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt bằng, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh,... để khai thác khả năng giải quyết việc làm. Khuyến khích các hộ nông dân có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất hình thành các trang trại có quy mô vừa và nhỏ, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản, tạo nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

- Thực hiện có hiệu quả các Dự án cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lao động; áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và dự báo nhu cầu lao động.

- Quy hoạch và phát triển hệ thống định hướng nghề nghiệp, hệ thống dịch vụ việc làm. Vận hành tốt Sàn Giao dịch việc làm, mở rộng giao dịch thị trường lao động.

- Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, tiền thưởng; chủ động phòng ngừa và giải quyết đình công tập thể của người lao động đúng pháp luật; tăng cường công quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Hải Phòng theo quy định của pháp luật.

- Hoàn thành và công bố quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030;

- Phát triển hệ thống dạy nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 29/12/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác dạy nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

- Tổ chức phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông để hình thành cơ cấu đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề hợp lý, tạo sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, giữa cơ sở đào tạo với người học nghề và đơn vị sử dụng lao động;

- Triển khai thực hiện Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nghề; chú trọng các nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, việc thực hiện pháp luật về dạy nghề, việc triển khai hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố; hàng năm thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề.

3. Thực hiện chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, đến năm 2020 theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế, đa dạng hóa tạo việc làm thông qua tiếp cận các nguồn lực thị trường nhằm phát triển sản xuất và dịch vụ, tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo để thoát nghèo nhanh và bền vững.

[...]