Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2023 về phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 42/KH-UBND
Ngày ban hành 06/01/2023
Ngày có hiệu lực 06/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-UBND

Kon Tum, ngày 06 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM, GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Tỉnh ủy khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023; xét đề nghị của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2023 - 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thông qua việc phát động phong trào thi đua nhằm giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong tham mưu, thực hiện tốt nhiệm vụ ở từng đơn vị, địa phương.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, thực chất, đồng bộ; phải xây dựng cụ thể các nội dung, mục tiêu, tiêu chí thi đua, tạo sự đột phá, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Kịp thời cổ vũ, động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính.

II. NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm sau cao hơn năm trước; riêng trong năm 2023, phấn đấu các Chỉ số tăng 05 bậc so với năm 2022(1).

b) Mục tiêu cụ thể

- 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. 100% thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 đủ điều kiện được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt 80%. Phấn đấu 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

- Đến năm 2030, tiếp tục giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.

- Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

- Giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu giảm bình quân khoảng 10% đến 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

- 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền. 80% các hệ thống thông tin của ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải cung cấp lại. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

2. Nội dung thi đua

Thi đua thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch hàng năm của tỉnh với các lĩnh vực: (1) Cải cách thể chế, (2) Cải cách thủ tục hành chính, (3) Cải cách tổ chức bộ máy, (4) Cải cách chế độ công vụ, (5) Cải cách tài chính công, (6) Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử - trong đó trọng tâm là các nội dung:

- Thi đua nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

- Thi đua thực hiện hoàn thành tốt các tiêu chí trong Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

- Thi đua trong công tác tuyên truyền, tham gia chung tay thực hiện cải cách hành chính của các tổ chức, cá nhân - nhất là việc vận động, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp thực hiện tiện ích của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích trong gửi, nhận hồ sơ thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; chuyển đổi số đồng bộ trong cải cách hành chính.

- Thi đua trong việc đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao sự hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

- Thi đua trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đúng quy định, đúng hẹn; trong xử lý những cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho công dân khi làm thủ tục hành chính.

- Thi đua về nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

3. Đối tượng thi đua

a) Tập thể:

[...]