Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2023 về tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2023-2030 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2023
Ngày có hiệu lực 17/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Việt Trường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030;

Thực hiện Quyết định số 905/QĐ-BNV ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022-2030”, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 905/QĐ-BNV ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (sau đây gọi tắt là Đề án của Bộ Nội vụ).

2. Yêu cầu

a) Bám sát, lồng ghép các nội dung của Đề án trong kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trên các lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) của thành phố hàng năm và đảm bảo phát huy hiệu quả mang tính lâu dài;

b) Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện công tác CCHC theo Kế hoạch này phải gắn chặt với kế hoạch bố trí, sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác, đảm bảo phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của CBCCVC và vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị; tránh tình trạng CBCCVC vừa hoàn thành xong việc đào tạo, bồi dưỡng lại được bố trí công tác chuyên môn khác gây lãng phí nguồn lực, ngân sách;

c) Đề cao ý thức tự học, tự trau dồi kiến thức qua hoạt động thực tiễn của đội ngũ CBCCVC thực hiện CCHC gắn với nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình chuyển đổi số của thành phố.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục tăng cường năng lực đội ngũ CBCCVC chuyên trách thực hiện công tác CCHC thông qua tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng một đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện CCHC nhà nước; đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, mang đến sự hài lòng cho người dân và tổ chức góp phần xây dựng chính quyền hành động, chính quyền thân thiện với nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025 đạt trên 85% và đến năm 2030 đạt trên 95% CBCCVC thực hiện công tác CCHC các cấp được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ quá trình tham mưu, tổng hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC dưới nhiều hình thức;

b) 100% CBCCVC thực hiện công tác CCHC được tiếp cận với các kinh nghiệm CCHC ở các bộ, ngành, địa phương để vận dụng vào thực tiễn một cách phù hợp; được tiếp cận thông tin về CCHC qua Cổng thông tin điện tử thành phố;

c) 100% CBCCVC thực hiện công tác CCHC, nhất là những người làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp được tiếp cận các bài giảng, tài liệu, số liệu, cơ sở dữ liệu về CCHC để tra cứu, tham khảo trong thực hiện nhiệm vụ; được kịp thời hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc trực tiếp hoặc gián tiếp qua kênh hỏi đáp về CCHC.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng đội ngũ CBCCVC thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

a) Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục bố trí, sắp xếp đủ số lượng CBCCVC có đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ CCHC, phù hợp với cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng bước hình thành đội ngũ CBCCVC ổn định, có tính chuyên nghiệp cao trong tham mưu, tổ chức triển khai công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố;

b) Có cơ chế động viên, khuyến khích, biểu dương đối với các CBCCVC có năng lực thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.

2. Hoàn thiện chương trình, biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về cải cách hành chính

a) Trên cơ sở chương trình, tài liệu do Bộ Nội vụ ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về CCHC hằng năm phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu thực tế công tác bồi dưỡng của thành phố;

b) Hoàn thiện tài liệu, chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về phát triển Chính quyền điện tử và Chính quyền số nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ CBCCVC thực hiện công tác CCHC trên địa bàn thành phố;

c) Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung về thực tiễn thực hiện nhiệm vụ CCHC của thành phố vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn thành phố;

d) Xây dựng các sổ tay hướng dẫn, tài liệu nghiệp vụ về CCHC; xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng về giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai chính quyền số trên địa bàn thành phố.

[...]