Kế hoạch 4141/KH-UBND năm 2021 về ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 4141/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2021
Ngày có hiệu lực 17/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4141/KH-UBND

Kon Tum, ngày 17 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ THẢM HỌA PHÁT TÁN HÓA CHẤT ĐỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc và Quyết định số 04/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 07 năm 2016;

Căn cứ Kế hoạch số 1443/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa phát tán hóa chất độc trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất, hóa chất độc trên địa bàn tỉnh, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố phát tán hóa chất độc tại địa phương.

- Chủ động phòng ngừa không để xảy ra sự cố mất an toàn trên địa bàn tỉnh và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động hóa chất an toàn, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân d ân các cấp trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý toàn diện hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực tham gia trong phòng ngừa, ứng phó trước, trong và sau khi sự cố xảy ra, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tài sản, con người và môi trường.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động và chấp hành đầy đủ các quy định trong hoạt động hóa chất để đảm bảo công tác phòng ngừa đạt hiệu quả cao nhất.

- Phát huy sự tham gia của người dân và cơ quan truyền thông trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố phát tán hóa chất độc ra môi trường.

3. Phạm vi áp dụng

- Kế hoạch này áp dụng đối với sự cố phát tán hóa chất độc gây ra của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc; không áp dụng đối với sự cố khác như sự cố môi trường, sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ phóng xạ, hạt nhân.

- Danh mục các hóa chất độc được ban hành kèm theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc tại Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và được sửa đổi tại Quyết định số 04/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KHI CÓ SỰ CỐ PHÁT TÁN HÓA CHẤT ĐỘC

1. Phòng ngừa sự cố phát tán hóa chất độc

a) Chủ cơ sở hoạt động hóa chất phải thực hiện các nội dung sau

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người quản lý, người lao động trong công tác đảm bảo an toàn và chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hóa chất.

- Có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về hóa chất theo quy định hiện hành (Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực Công nghiệp,…) và lưu trữ thông tin của các loại hóa chất.

- Xây dựng Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật.

- Phải đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực, kho chứa hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng cơ sở cần thiết để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố xảy ra; khu vực lưu trữ, sử dụng hóa chất phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

- Định kỳ tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất (02 năm/lần) và hàng năm có phương án diễn tập các nội dung trong Kế hoạch/Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

[...]