Kế hoạch 15/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Số hiệu 15/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2023
Ngày có hiệu lực 11/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT ĐỘC CẤP TỈNH CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-BCT ngày 09/6/2022 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh của thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh của thành phố Hà Nội đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-BCT ngày 09/6/2022; dự báo được các tình huống có nguy cơ xảy ra sự cố, diễn biến sự cố, các kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và phối hợp của các lực lượng có liên quan xử lý có hiệu quả cao nhất khi có sự cố về hóa chất công nghiệp xảy ra, đảm bảo chủ động, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại.

- Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm ngay tại các đơn vị cơ sở để phòng ngừa có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

- Xác định tính chất nguy hiểm độc hại của các hóa chất đánh giá, dự báo các nguy cơ sự cố hóa chất độc trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đề ra giải pháp làm giảm nguy xảy ra sự cố hóa chất độc trên địa bàn thành phố và hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của sự cố hóa chất đến con người và môi trường.

2. Yêu cầu:

- Các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Kế hoạch này có hiệu quả, đồng thời bám sát vào mục đích nêu trên, chủ động phối hợp thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất đúng quy định pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc; Phương án khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố hóa chất độc trên địa bàn Thành phố.

II. NỘI DUNG

1. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cộng đồng doanh nghiệp trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất độc theo quy định của Luật Hóa chất trên địa bàn Thành phố.

2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động hóa chất độc trên địa bàn thành phố Hà Nội, thông qua tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định pháp luật, trong đó cập nhật xu hướng mới trong quản lý hóa chất bao gồm các nội dung: Phân loại hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS); Khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; Phương thức quản lý hóa chất dựa trên đánh giá rủi ro; Nhận diện hóa chất cần phải kiểm soát,...

3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất theo đúng quy định. Đào tạo kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động tiếp xúc với hóa chất trong quá trình làm việc theo quy định quản lý hóa chất hiện nay. Đào tạo an toàn hóa chất cho người đứng đu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất. Đào tạo an toàn hóa chất cho cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy định pháp luật. Khi có thay đổi quy mô, vị trí sản xuất, kinh doanh, sử dụng ảnh hưởng đến nội dung bản Kế hoạch hoặc Biện pháp cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo theo các quy định của văn bản pháp luật về quản lý hóa chất.

4. Lập phương án thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc của Thành phố nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó, chủ động khi có sự cố hóa chất xảy ra. Ứng dụng khoa học và công nghệ thông qua hoạt động nghiên cứu, xây dựng, thiết kế hệ thống phần mềm mô phỏng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất độc cấp Thành phố, phân bố lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất và mô tả phạm vi ảnh hưởng và bố trí trang thiết bị, nguồn lực khác ứng phó khi xảy ra sự cố để thuận lợi cho công tác chỉ đạo.

5. Từng bước trang bị các phương tiện bảo hộ, trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất độc cho Ban chỉ huy; đảm bảo kinh phí tập huấn, huấn luyện phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc.

6. Tăng cường hoạt động phối hợp trong công tác quản lý hoạt động hóa chất giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Thường xuyên tổ chức hoạt động phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý hoạt động hóa chất thuộc lĩnh vực công thương.

7. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác an toàn hóa chất tại các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã; các quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao, xây dựng kinh phí thực hiện Kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp báo cáo UBND trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định; Việc sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Nguồn huy động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. S Công Thương

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cộng đồng doanh nghiệp trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản an toàn trong sản xuất, kinh doanh, tồn chứa, vận chuyển và sử dụng hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.

- Rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất.

- Thường xuyên cập nhật các tính chất nguy hiểm, quy định tiêu chuẩn về bảo quản, kinh doanh, sử dụng của các loại hóa chất nguy hiểm, quy định tiêu chuẩn về bảo quản, kinh doanh, sử dụng của các loại hóa chất hiện có và các loại hóa chất mới xuất hiện trên địa bàn, phạm vi tác động trong trường hợp xảy ra sự cố và hướng dẫn cách ứng phó phù hợp.

[...]