Kế hoạch 411/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm năm 2022 về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 411/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 411/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM NĂM 2022 VỀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - KỸ THUẬT VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 08/12/2021 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết số 41/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; thực hiện chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm năm 2022 về phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

- Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nhằm phát triển đô thị, nông thôn theo hướng bền vững và từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn gắn với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

- Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế, nguồn nhân lực và nhu cầu của thị trường. Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, tăng nguồn thu ngân sách; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thể mạnh và lợi thế so sánh của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại

1.1. Về quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn:

- Tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng: (1) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế; (3) Đề án sắp xếp địa giới hành chính đô thị Thừa Thiên Huế; (4) Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; (5) Đề án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp thành lập các xã, phường thuộc thị xã Phong Điền; (6) Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030.

- Tập trung rà soát các quy hoạch chung đô thị, nông thôn, khu chức năng để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu; gắn công tác quy hoạch đô thị với bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị và chỉnh trang đô thị. Xây dựng và quản lý thực hiện tốt các Quy hoạch 1/5.000, 1/2.000 trên địa bàn.

- Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung đầu tư thành phố Huế đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I; xây dựng Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV, xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị Chân Mây; nâng cấp và từng bước hình thành các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Thanh Hà, Phú Mỹ đạt tiêu chí đô thị loại V; hạ tầng các xã lên phường theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thủy theo định hướng phát triển của Tỉnh.

1.2. Về hạ tầng giao thông:

Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm: Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế xã hội: đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa). Triển khai thực hiện các dự án Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3,...

Tiếp tục thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị: Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh); dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng -giai đoạn 2, dự án thành phần tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án cầu bắc qua sông Lợi Nông; đường Đào Tấn nối dài; mở rộng, nâng cấp dường Hà Nội. Triển khai thực hiện dự án tuyến đường dọc sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Gia Thiều,..

1.3. Về hạ tầng cấp nước và xử lý nước thải:

Tập trung triển khai các dự án cấp nước sạch. Tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế. Ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp.

1.4. Về hạ tầng cấp điện:

Đảm bảo việc hỗ trợ cung cấp điện thi công đến hàng rào công trình theo quy hoạch. Tập trung đầu tư vào các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng đô thị như: cấp điện sinh hoạt, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng, tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng,...

1.5. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông:

Tập trung triển khai Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoàn thành dự án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh và dự án Hoàn thiện chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2020. Vận hành hệ thống quản lý đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,...

Xây dựng và triển khai hạ tầng viễn thông cáp quang băng rộng phủ trên 90% hộ gia đình, 97% thôn; số thuê bao băng rộng di động đạt tỷ lệ 90/100 dân; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 70%; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

1.6. Về hạ tầng thương mại, du lịch:

Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch như: Trung tâm thương mại dịch vụ giải trí và khách sạn Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A - Đô thị mới An Vân Dương; Siêu thị vật liệu thông minh thuộc khu C - Đô thị mới An Vân Dương, Trung tâm thương mại dịch vụ tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà,...Phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng loại hình chợ và cửa hàng bán lẻ truyền thống; chuyển đổi mô hình quản lý; xây dựng Chợ văn minh thương mại.

Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Các tuyến đường kết nối hạ tầng từ thành phố Huế đến khu vực trọng điểm du lịch quốc gia (Lăng Cô - Cảnh Dương), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã), các di tích đến vùng biển, đầm phá,...

1.7. Về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu:

Tiếp tục đầu tư các dự án bảo vệ bờ biển. Đầu tư nâng cấp đê, kè chống xói lở bờ sông, bờ biển, nâng cấp các đoạn đê xung yếu; đầu tư các dự án nhằm tăng khả năng thoát lũ, giảm ngập úng vùng hạ du, thấp trũng như: Hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê; Nâng cấp hệ thống đê sông Thiệu Hóa; Hệ thống thoát lũ Hói Ngã Tư, huyện Quảng Điên; Đê bờ hữu sông Đại Giang đoạn qua xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy; Kè chống sạt lở bờ sông Tả Trạch đoạn từ cầu Khe Tre đến trung tâm Y tế huyện Nam Đông; Nâng cấp mở rộng kết hợp nạo vét gia cố bờ hói Hàng Tổng, huyện Quảng Điền; Nạo vét và xây dựng Kè hói Đốc Sơ - An Hòa; Sửa chữa, nâng cấp hô Thọ Sơn, xã Hương Xuân; Sửa chữa, nâng cấp đập La Ỷ, huyện Phú Vang; Nâng cấp các công trình thủy lợi huyện A Lưới; Sửa chữa, nâng cấp đập Khe Mang, thị trấn Phong Điền; Nâng cấp sửa chữa các công trình trạm bơm chống hạn Tây Nam Hương Trà, thị xã Hương Trà; Nâng cấp, sửa chữa trạm bơm Phong Sơn, Đông Vinh, Chương - Bình, Vinh Phú thuộc huyện Quảng Điền, Phong Điền. Triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển” do Quỹ khí hậu xanh viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc; Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA 2) và Dự án đầu tư rừng mưa nhiệt đới.

[...]