Kế hoạch 4059/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 4059/KH-UBND
Ngày ban hành 07/07/2023
Ngày có hiệu lực 07/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4059/KH-UBND

Bến Tre, ngày 07 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VIỆT NAM VÀ XÂY DỰNG HẠ TẦNG DỮ LIỆU KHÔNG GIAN ĐỊA LÝ QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và theo Tờ trình số 1778/TTr-STNMT ngày 01 tháng 5 năm 2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số nội dung cụ thể sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

a) Tuyên truyền, phổ biến thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ.

b) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý và hệ thống bản đồ địa hình tỉnh Bến Tre đồng bộ, thống nhất, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

c) Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

2. Tầm nhìn đến năm 2045

a) Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ tỉnh Bến Tre trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

b) Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn Tỉnh, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn quốc.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản đã được xác định tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch tập trung vào thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:

a) Tuyên truyền, phổ biến công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ.

b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung.

c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh Bến Tre

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm toàn tỉnh; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ.

- Tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ trong công tác cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình.

- Thành lập bản đồ không gian 3 chiều các khu vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh, cứu hộ, cứu nạn và quốc phòng, an ninh.

d) Đổi mới việc quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

- Đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ bao gồm việc xây dựng và cung cấp dữ liệu mở; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ đối với người dùng trong việc chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu không gian địa lý dễ dàng hiệu quả.

- Xây dựng mô hình quản lý, cơ chế tích hợp, chia sẻ lợi ích để sử dụng chung thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố và các nhà đầu tư.

- Thiết lập hợp tác liên ngành, lĩnh vực, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, duy trì, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

đ) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo đạc và bản đồ.

Xây dựng kế hoạch cụ thể để nhận chuyển giao, triển khai các công nghệ mới về đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

e) Đẩy mạnh quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trên địa bàn tỉnh.

g) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

[...]