Kế hoạch 325/KH-UBND năm 2023 triển khai Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 325/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2023
Ngày có hiệu lực 07/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 325/KH-UBND

Lào Cai, ngày 07 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 16/01/2023 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh; xác định các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể và thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

b) Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành; sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

c) Cân đối nguồn lực ưu tiên cho triển khai chiến lược dữ liệu.

2. Yêu cầu

a) Các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, xác định phát triển dữ liệu số là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số; tích cực, chủ động nghiên cứu Chiến lược để triển khai thực hiện đúng nội dung, tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

b) Mỗi tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ phải xác định rõ trách nhiệm để tổ chức thực hiện nghiêm túc; đảm bảo sự tập trung, thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành.

c) Quá trình triển khai phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật; đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin dữ liệu

II. MỤC TIÊU

1. 100% dữ liệu cơ bản nhất tạo nền tảng cho Chính quyền số được hoàn thành và chia sẻ bao gồm dữ liệu về: dữ liệu gắn với con người (dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo; cán bộ công chức, viên chức, căn cước, hộ tịch,...); dữ liệu gắn với cơ quan, tổ chức (doanh nghiệp, tài chính,...); dữ liệu gắn với tài nguyên (đất đai, khoáng sản, hạ tầng không gian địa lý; hạ tầng kỹ thuật công cộng,...).

2. 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thiết lập được bộ phận phụ trách về dữ liệu; xây dựng và triển khai các hoạt động được quy định tại Chiến lược dữ liệu; các hoạt động quản trị dữ liệu đã được triển khai thực hiện định kỳ.

3. 100% dữ liệu chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước (trừ dữ liệu mật) được chia sẻ thông qua LGSP của tỉnh, và công bố các dữ liệu chia sẻ trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Đối với dữ liệu các ngành cần cung cấp dữ liệu để hình thành nên Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.

4. 95% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành được lưu trữ trong kho dữ liệu số của tỉnh, được chia sẻ và sử dụng lại trong các thủ tục hành chính, hoạt động hành chính và sử dụng thay thế hoàn toàn bản giấy.

5. 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ngành cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật dữ liệu của bộ, ngành chủ quản. Có sự kế thừa, tích hợp dữ liệu hiệu quả từ các CSDL quốc gia và CSDL Bộ, ngành.

6. 90% các hoạt động hành chính trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước được thay thế bằng chia sẻ dữ liệu số.

7. 100% các cơ quan nhà nước ban hành và triển khai danh mục dữ liệu mở. Tối thiểu mỗi cơ quan ban hành và duy trì cập nhật được 50 bộ dữ liệu mở mới một năm. Đến cuối giai đoạn năm 2025, tỉnh Lào Cai cung cấp ít nhất 1.000 bộ dữ liệu mở.

8. Mỗi năm có ít nhất 3 sáng kiến sử dụng dữ liệu trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới AI, Bigdata để hỗ trợ ra quyết định, cải thiện về quy trình và nâng cao năng suất công việc.

9. 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh phải được quản lý, lưu trữ ở trung tâm dữ liệu của tỉnh đạt tiêu chuẩn và kết nối đồng bộ thông suốt với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dữ liệu quốc gia.

10. 40% công dân thường xuyên theo dõi, tra cứu thông tin cá nhân của mình do cơ quan nhà nước nắm giữ qua một đầu mối thống nhất trên Cổng dữ liệu tỉnh Lào Cai; có thể truy cập dịch vụ dữ liệu số phục vụ an sinh xã hội, ưu tiên là về lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm.

11. 5% dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp có nguồn từ sự tham gia, đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

12. 50% các hệ thống IoT thu thập dữ liệu trong cộng đồng, trước hết là những hệ thống giám sát về an ninh, được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước để đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội, cung cấp tiện ích cho người dân.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác tuyên truyền

a) Nội dung: Kết hợp nhiều hình thức truyền thông và tuyên truyền về chuyển đổi nhận thức, văn hóa và pháp luật đối với xây dựng, khai thác và sử dụng dữ liệu số, nhấn mạnh vào các nội dung:

[...]