Kế hoạch 157/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 40/NQ-CP về Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 157/KH-UBND
Ngày ban hành 06/07/2023
Ngày có hiệu lực 06/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Thế Phước
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Yên Bái, ngày 06 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 40/NQ-CP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ VIỆT NAM VÀ XÂY DỰNG HẠ TẦNG DỮ LIỆU KHÔNG GIAN ĐỊA LÝ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái với nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ để cụ thể hóa và triển khai đầy đủ nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành đo đạc bản đồ làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, cụ thể hóa các nhiệm vụ, dự án, các nội dung, công việc cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành gắn với lộ trình thực hiện.

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới cần ưu tiên đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đạt các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

- Đề cao tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu bảo đảm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước triển khai, thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: (1) Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn cao về đo đạc và bản đồ, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo đạc và bản đồ; tăng cường chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các Sở, ban, ngành giữa trung ương và địa phương; giữa các Sở, ban, ngành của tỉnh; (2) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tiếp cận để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cung cấp dữ liệu mở và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; (3) Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao, tiên tiến; đẩy mạnh đào tạo, thu hút tài năng trẻ, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tăng cường hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; (4) Khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công; cung cấp thông tin, dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; (5) Hoàn thiện công tác đo đạc, thành lập bản đồ địa chính và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính trên phạm vi toàn tỉnh, trong giai đoạn 2023-2025 ưu tiên thực hiện tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ; (6) Thành lập bản đồ không gian 3 chiều các khu vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh cứu hộ, cứu nạn và quốc phòng, an ninh; (7) Xây dựng, chuẩn hóa, tích hợp dữ liệu không gian địa lý chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh; (8) Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong việc: Xây dựng, cập nhật, quản lý hạ tầng dữ liệu không gian, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia thuộc phạm vi quản lý của địa phương đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong cả nước, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa trung ương với địa phương, giữa các cơ quan, ban ngành của tỉnh phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

2. Các nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tại Phụ lục kèm theo kế hoạch này.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái và các Tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo quy định hiện hành.

2. Nguồn vốn được lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án khác; nguồn vốn vay, viện trợ nước ngoài.

3. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, đề xuất bổ sung các giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch này; tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch báo cáo theo quy định.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn chi thường xuyên cho các dự án bảo đảm theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, cân đối nguồn vốn đầu tư, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án bảo đảm theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Trên đây là kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường Trực Tỉnh ủy
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- Trung tâm điều hành thông minh tỉnh;
- Lưu: VT, TNMT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Phước

 

[...]