Kế hoạch 4056/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 4056/KH-UBND
Ngày ban hành 17/09/2022
Ngày có hiệu lực 17/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4056/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 17 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 14/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, với những nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

2. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

3. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.

4. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.

5. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, trong đó: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hoá, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ: tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có từ 120-140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 02-03 sản phẩm tiềm năng 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia.

- Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

- Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Phấn đấu đạt 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

- Có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

- 100% cán bộ quản lý nhà nước Chương trình OCOP cấp (huyện, xã), cán bộ các tổ chức liên quan được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất (chủ thể) có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phấn đấu có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ YÊU CẦU THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện

- Phạm vi về không gian: Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phạm vi về thời gian: Chương trình OCOP được triển khai thực hiện đến hết năm 2025.

2. Đối tượng thực hiện

- Chủ thể thực hiện: Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch ngoài các đối tượng trên có thể bao gồm các Hội/Hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.

[...]