Kế hoạch 40/KH-UBND năm 2023 về khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 40/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2023
Ngày có hiệu lực 03/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 03 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KHẢO SÁT ĐO LƯỜNG SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2023-2025

Căn cứ Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/8/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 06/CT-CTUBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Để có cơ sở đánh giá chính xác mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện các chính sách; cung ứng dịch vụ công ở những lĩnh vực người dân và doanh nghiệp quan tâm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh hàng năm, xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; làm cơ sở để xác định các chỉ số cải cách nền hành chính theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Tiến hành đo lường và công bố kết quả điều tra mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đánh giá của doanh nghiệp đối với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện nhằm thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hưng Yên.

c) Cung cấp cho cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh các thông tin khách quan về nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, nhu cầu, mong đợi của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ, cung ứng các dịch vụ của cơ quan hành chính nhà nước; từ đó có các giải pháp phù hợp, hiệu quả nâng cao chất lượng phục vụ người dân , doanh nghiệp.

d) Nâng cao nhận thức, văn hóa thực thi nhiệm vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

đ) Tạo điều kiện, cơ hội để người dân, doanh nghiệp đưa ra tiếng nói của mình; lôi cuốn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình ra quyết định của bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường sự giám sát của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai khảo sát ý kiến của người dân, doanh nghiệp phải đảm bảo khoa học và khách quan; đánh giá đúng thực chất hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

b) Phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

c) Kết quả khảo sát phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, được công bố kịp thời, rộng rãi; giúp các cơ quan hành chính nhà nước xác định được các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

d) Xây dựng mẫu phiếu khảo sát để lấy ý kiến đánh giá của người dân đảm bảo đầy đủ các nội dung về cải cách hành chính, công tác hiệu quả quản trị và hành chính công; mẫu phiếu khảo sát doanh nghiệp đảm bảo bám sát các nội dung của Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG KHẢO SÁT

1. Khảo sát ý kiến của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

a) Đối tượng, phạm vi, cỡ mẫu:

- Đối tượng được lấy ý kiến khảo sát: Là công dân Việt Nam ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, đại diện cho hộ gia đình và hiện đang cư trú (có hộ khẩu thường trú) tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian thực hiện khảo sát ý kiến.

- Cỡ mẫu khảo sát: do cơ quan triển khai đo lường sự hài lòng quyết định cụ thể, phù hợp với điều kiện, nguồn lực hiện có, trên nguyên tắc đảm bảo yêu cầu về cỡ mẫu tối thiểu là 05 đại diện hộ gia đình/01 thôn, tổ dân phố.

- Đối tượng được đánh giá: Là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành chính sách, quản lý việc cung ứng dịch vụ công.

- Phạm vi đánh giá: Gồm tất cả cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh; các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách liên quan đến dịch vụ công; các dịch vụ hành chính công và 06 nhóm dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, gồm: Giáo dục phổ thông; khám, chữa bệnh; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; nước sinh hoạt; điện sinh hoạt.

b) Nội dung: Khảo sát ý kiến của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm đo lường nhận định, đánh giá nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong việc ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, cung ứng dịch vụ công.

2. Khảo sát ý kiến của doanh nghiệp đối với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện

a) Đối tượng, phạm vi, cỡ mẫu:

- Đối tượng được lấy ý kiến khảo sát: Là doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh (HKD) còn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

- Cỡ mẫu khảo sát: do cơ quan triển khai đo lường sự hài lòng quyết định cụ thể, phù hợp với điều kiện, nguồn lực hiện có, trên nguyên tắc đảm bảo yêu cầu về cỡ mẫu, cụ thể:

[...]