Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 392/KH-UBND năm 2020 về hoạt động khoa học và công nghệ năm 2021 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 392/KH-UBND
Ngày ban hành 09/07/2020
Ngày có hiệu lực 09/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 392/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2021

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Luật Ngân sách nhà nước (NSNN); Luật Đầu tư công; Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Công văn số 254/BKHCN-KHTC ngày 07/02/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2021, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng Kế hoạch khoa học và Công nghệ năm 2021 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KH&CN NĂM 2020 VÀ 05 NĂM 2016-2020

I. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách về KH&CN và đổi mới sáng tạo 05 năm giai đoạn 2016-2020

1. Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Giai đoạn 2016-2020, Bắc Kạn chưa ban hành văn bản cấp tỉnh về các tiêu chuẩn, quy chuẩn địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh đã tích cực phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Thường xuyên tra cứu kho tiêu chuẩn, phối hợp cung cấp các tiêu chuẩn ngành, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ tra cứu của các đơn vị trên địa bàn.

Giai đoạn này, tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng Quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại tỉnh Bắc Kạn theo Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

2. Các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân và thông tin, thống kê KH&CN; chuyển giao công nghệ trong nước và với nước ngoài

- Thời gian qua, địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện Luật Đo lường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; chỉ đạo ngành chuyên môn ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo được niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Triển khai quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử và hạt nhân, thông tin thống kê khoa học và công nghệ, quản lý công nghệ theo đúng quy định, đạt hiệu quả. Công tác kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân, góp ý công nghệ của các dự án đầu tư được thực hiện nghiêm túc, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này trên địa bàn.

- UBND tỉnh đã ban hành một số quy định về SHTT, ATBX hạt nhân, phát triển công nghệ, dịch vụ KH&CN trên địa bàn, như: Quyết định số 765/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 về ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” dùng cho sản phẩm quả quýt; Quyết định 731/QĐ-UBND ngày 10/5/2019 về việc ban hành quy định về đánh giá, công nhận sáng kiến đề tài nghiên cứu khoa học của các cá nhân để làm căn cứ xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 về phê duyệt phương án phát triển, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 08/5/2019 ban hành kế hoạch hành động về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2019-2025.

3. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp ĐMST và phát triển doanh nghiệp KH&CN, lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, các sản phẩm sáng tạo phục vụ trực tiếp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, năng suất, chất lượng theo chuỗi giá trị

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp ĐMST tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2025 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017, Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn).

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST: Trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 03 Nghị quyết: Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 quy định mức chi từ ngân sách nhà nước để tổ chức cuộc thi STKT và cuộc thi sáng tạo TTNNĐ tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 quy định mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 05/5/2020 quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025.

4. Nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ, ĐMST và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp ĐMST; cơ chế ưu đãi, phát triển doanh nghiệp ĐMST

- Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch đổi mới sáng tạo theo Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh, trong đó, nội dung chủ yếu là: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về ĐMST, ứng dụng KH&CN trong các doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; triển khai chương trình khởi nghiệp cho sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng, Cao đẳng nghề Dân tộc nội trú; tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng khởi nghiệp ĐMST; triển khai và thực hiện các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch số 423/KH-UBND ngày 02/10/2018 của UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 17-Ctr/TU ngày 02/8/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Triển khai các hoạt động khảo sát, đánh giá công nghệ, góp ý công nghệ của các dự án đầu tư ... góp phần nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư, hạn chế việc nhập thiết bị công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương1.

5. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh hạn hẹp, nên số lượng người được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh còn ít, tỉnh chưa sử dụng kinh phí từ nguồn đầu tư phát triển sử dụng cho phát triển nguồn lực nên nguồn nhân lực tại địa phương, nhất là nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn hạn chế.

6. Cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho KHCN và ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp

- Tỉnh chưa ban hành chính sách riêng để khuyến khích, huy động được nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN do các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

- Chương trình khởi nghiệp, ĐMST đã được tỉnh triển khai, hỗ trợ theo Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 05/5/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025.

7. Cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN, các vướng mắc trong thực hiện cơ chế khoán chi

- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh mới chưa thực hiện cơ chế khoán chi từng phần, chưa thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KH&CN là do các nhiệm vụ KH&CN liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung không có định mức kinh tế - kỹ thuật cụ thể.

- Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN việc áp dụng quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN thực hiện theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 liên tịch giữa Bộ KH&CN và Bộ Tài chính quy định còn gặp những khó khăn:

+ Nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng theo Điều 6 của Thông tư 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định có nhiều nội dung khó có thể để đáp ứng đồng thời các điều kiện để thực hiện khoán, ví dụ: nhiệm vụ phải xác định rõ được chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng, quy mô...; các khoản chi phục vụ cho hoạt động nghiên cứu như: sửa chữa, mua sắm tài sản trang thiết bị, cơ sở vật chất, chi đoàn ra... dưới 15% tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, việc không được điều chỉnh phương thức khoán chi, tổng mức kinh phí khoán, không được điều chỉnh tên, mục tiêu và sản phẩm cuối cùng yêu cầu sự cam kết rất cao của chủ nhiệm nhiệm vụ, sẽ rất khó khăn khi có rủi ro trong việc nghiên cứu. Do đó, việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn để thực hiện.

+ Đối với phương thức khoán chi từng phần: Một số nội dung thực hiện khoán chi, nhưng khi triển khai thực hiện gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là cơ sở thanh toán vì ngoài thực hiện theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC còn phải thực hiện theo các quy định tại các Văn bản pháp quy khác. Có những khoản chi khó xác định cụ thể để xây dựng mức khoán, như: số đại biểu tham dự thực tế, kinh phí chi tiền nước, tiền văn phòng phẩm trong khoán chi Hội thảo. Trong chi phí quản lý chung nhiệm vụ KH&CN (5%) theo Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2014 có nhiều nội dung chi không có định mức kinh tế - kỹ thuật, do đó khó khăn trong việc thanh, quyết toán.

[...]