Kế hoạch 3916/KH-UBND phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021

Số hiệu 3916/KH-UBND
Ngày ban hành 29/06/2021
Ngày có hiệu lực 29/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3916/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 29 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2021

Căn cứ Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 96/TTr-SGDĐT ngày 10/6/2021; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kĩ năng và phong trào đọc trong học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, chú trọng học sinh ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; giúp các em trở thành người đọc độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam.

Xây dựng hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới, góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; đồng thời, khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.

2. Yêu cầu

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch.

Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai các nội dung về phát triển văn hóa đọc cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên, kịp thời, đầy đủ đến các cấp, các ngành và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc. Xây dựng, phát triển văn hóa đọc phải được thực hiện một cách bền bỉ, không chỉ là phong trào mang tính nhất thời. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phát triển văn hóa đọc.

2. Xây dựng môi trường đọc

2.1. Xây dựng phòng đọc học sinh của thư viện nhà trường

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích phòng đọc đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định, tạo không gian đọc thoải mái cho học sinh của 01 lớp tham gia.

- Xây dựng phòng đọc theo mô hình phù hợp với học sinh từng cấp học; đầu tư trang thiết bị, bố trí sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, lôi cuốn học sinh đến thư viện. Các trường tiểu học (TH) theo mô hình thư viện thân thiện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read tập huấn.

- Rà soát, đánh giá toàn bộ sách, tài liệu hiện có tại thư viện; thanh lí và thay thế dần các sách, tài liệu không còn phù hợp.

- Phát triển và nâng cao chất lượng vốn tài liệu trong thư viện, lựa chọn, bổ sung những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục: truyện danh nhân, truyện lịch sử, truyện giáo dục đạo đức; sách có ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình tượng nhân vật đẹp và gần gũi đưa đến cho các em những bài học, những ấn tượng đẹp và những giá trị cuộc sống, các loại sách mang đến những tri thức thiết thực về từng vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa, bổ sung sách tham khảo phong phú thuộc nhiều lĩnh vực: khoa học, văn học, toán học...và sách song ngữ, sách ngoại ngữ. Lựa chọn các tác phẩm có chất lượng của nước ngoài để giới thiệu, phổ biến tại thư viện nhà trường. Đối với các huyện miền núi cần lựa chọn tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và các tài liệu tham khảo khác phù hợp, thân thiện với học sinh người dân tộc thiểu số bổ sung cho thư viện.

- Có kế hoạch tăng cường thời gian các em đến đọc sách, sinh hoạt tại thư viện dưới hình thức cá nhân, nhóm hoặc cả lớp; trong đó, định hướng mục tiêu, nội dung, phương pháp đọc và kiểm tra đánh giá kết quả đọc một cách cụ thể.

2.1.1. Mô hình cụ thể của phòng đọc học sinh tại thư viện trường TH

Đối với trường TH áp dụng theo mô hình của tổ chức Room to Read, đã được kiểm chứng và công nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thư viện được triển khai dưới hình thức “Thư viện thân thiện”, với 3 yếu tố đảm bảo: phân loại sách truyện thiếu nhi theo trình độ học sinh, tổ chức tiết đọc thư viện, trang thiết bị thư viện thân thiện với trẻ; 03 điểm thể hiện sự thân thiện: cơ sở vật chất, thái độ, hệ thống và hoạt động. Cụ thể như sau:

- Phòng đọc đảm bảo có đủ chỗ cho ít nhất 35 học sinh.

- Về cách bài trí, sắp xếp trong phòng đọc học sinh của thư viện:

+ Tường phòng đọc được vẽ trang trí: các bức tranh vẽ trên tường trích ra từ những câu chuyện quen thuộc với các em học sinh TH: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé Lọ Lem, Nàng tiên cá, Sự tích cây vú sữa, Tấm Cám…

+ Có “ góc sáng tạo”, “góc trò chơi phát triển ngôn ngữ”, “góc tra cứu”, “góc đọc”, “ Góc trưng bày sản phẩm của em”, có bảng hướng dẫn tìm sách theo mã màu, nội quy thư viện, lịch hoạt động thư viện, lịch tiết đọc thư viện, bảng giới thiệu sách…

+ Kệ sách: Để mở, sách được xếp theo độ tuổi, theo mã màu trên kệ, vừa với chiều cao của học sinh.

+ Bàn thấp để các em có thể ngồi thoải mái khi đọc sách (không nhất thiết phải có ghế ngồi).

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ