Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 39/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2020
Ngày có hiệu lực 31/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 31 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 CỦA TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã xác định trong Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược) đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

Các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của tỉnh, đảm bảo sự thống nhất và thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị, địa phương và sự hợp tác giữa các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ để đạt được mục tiêu đề ra.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đa dạng hóa các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính trên địa bàn tỉnh để nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng của những người chưa tiếp cận hoặc ít tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cư dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.

- Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp góp phần thực hiện có hiệu quả chủ chương của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

- Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tài chính cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ , hành vi ứng xử phù hợp trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Bảo vệ người tiêu dùng tài chính để đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và được đối xử công bằng.

3. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Ít nhất 66% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại Ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tiến tới có 78% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại Ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030.

- Ít nhất 13 Chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành.

- Ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (Chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý Ngân hàng; ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội).

- Ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.

- Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm.

- Số máy ATM là 22 trên 100.000 người trưởng thành.

- Ít nhất 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại tổ chức tín dụng.

- Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 25%.

- Ít nhất 60% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

III. Nhiệm vụ và giải pháp

[...]