Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 383/KH-UBND năm 2024 triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 383/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2024
Ngày có hiệu lực 30/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Nguyễn Trọng Hài
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 383/KH-UBND

Lào Cai, ngày 30 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 26/7/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải đường bộ trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 23/CT-TTg);

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg là nội dung công tác trọng tâm phải được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, được tiến hành đồng bộ, lồng ghép với các chuyên đề công tác lớn khác có liên quan, được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa phương, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể hóa các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 23/CT-TTg để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

2. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ của các tổ chức, cá nhân có liên quan; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách.

3. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính, dữ liệu phương tiện, giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, khám sức khỏe,..

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác bảo đảm TTATGT[1]. Các sở, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo nói trên thành các chương trình, hành động cụ thể, đồng thời đề ra các giải pháp triển khai đảm bảo TTATGT phù hợp tình hình mới; Lập danh mục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh Lào Cai và chuẩn bị nguồn lực để triển khai thực hiện Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi có hiệu lực thi hành; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; tập trung tuyên truyền sâu, rộng đến tầng lớp nhân dân các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; phổ biến các tình huống gây tai nạn giao thông hoặc bài học kinh nghiệm phòng tránh tai nạn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Hội nghị tập huấn,..

3. Siết chặt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, khám sức khỏe đối với lái xe. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu trong hoạt động kinh doanh vận tải, để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ.

4. Thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương; tổ chức quy hoạch các bến xe, các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa hợp lý, phù hợp với thực tế cơ sở hạ tầng của tỉnh; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ, có sự kết nối giữa các phương thức vận tải với nhau (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không).

5. Tổ chức rà soát về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông tại các tuyến đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời thực hiện công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông theo phân cấp quản lý. Nghiên cứu, rà soát đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông, quy hoạch bến xe, điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa hợp phù hợp với tình hình thực tiễn.

6. Tổng hợp, rà soát số liệu đảm bảo theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống" đối với số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đăng ký phương tiện xe cơ giới, phương tiện ô tô hết niên hạn sử dụng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện xe cơ giới trên địa bàn tỉnh; đảm bảo duy trì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trung tâm đăng kiểm. Không ngừng đổi mới, hoàn thiện công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng lái xe thực tế, xử lý tình huống giao thông ứng với địa hình miền núi có đèo dốc, sương mù.

7. Xây dựng phương án quản lý, khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với tiến độ triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông; hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường để tiến hành "phạt nguội"; tiếp tục triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đồng bộ trên ứng dụng VneID.

8. Thường xuyên phối hợp trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành (giao thông, công an, y tế, thuế, ...) về quản lý hoạt động vận tải, xử lý vi phạm TTATGT, thu thuế, ...; phối hợp với lực lượng Công an, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố khác về kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các phương tiện kinh doanh vận tải ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Chỉ đạo các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố quán triệt nội dung của Chỉ thị số 23/CT-TTg ; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và triển khai các chương trình, hoạt động truyền thông theo kế hoạch với nội dung hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng, bảo đảm hiệu quả, thực chất; chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, khu dân cư...

- Tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg. Trên cơ sở tổng hợp đánh giá kết quả triển khai, phát hiện kịp thời các bất cập, các vấn đề vướng mắc phát sinh, tham mưu chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với các huyện, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao và tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp để kịp thời chấn chỉnh; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh đối với những đơn vị chua nghiêm túc thực hiện.

- Định kỳ hằng quý, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nội dung kế hoạch về Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, đồng thời trên cơ sở kết quả tổng hợp đánh giá, phát hiện kịp thời các bất cập, vướng mắc phát sinh, từ đó tham mưu chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

2. Sở Giao thông vận tải

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Định kỳ hằng năm, tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn; quy định quản lý hoạt động xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách; trước ngày 30/4 hằng năm, rà soát, điều chỉnh và công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh, tuyến buýt; xây dựng vị trí đón, trả khách xe buýt, xe taxi, xe khách tuyến cố định; tham mưu quy định tiêu chí và quản lý vị trí đón, trả khách xe hợp đồng, du lịch, thông báo vị trí bến xe.

- Tổ chức kiểm tra thường xuyên hằng ngày (hoặc đột xuất) để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa ngay tại các điểm xuất phát, trong đó tập trung xử lý tại các khu, cụm công nghiệp, các mỏ (thuộc huyện Văn Bàn, Bát Xát), ga Lào Cai, Bến xe Trung tâm Lào Cai và các điểm giao thông tĩnh khác; xử lý trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải khi để xuất bến đối với xe hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, lái xe không bảo đảm điều kiện, xe hợp đồng hoạt động "trá hình", tập kết, đón trả khách tại trụ sở công ty, văn phòng đại diện (địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa); khi có đủ căn cứ, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các đơn vị có nhiều vi phạm, đơn vị để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đảm bảo hoàn thành 100% các kế hoạch đã được phê duyệt, định kỳ báo cáo về Ban an toàn giao thông tỉnh.

- Định kỳ hằng tháng, cập nhật và thông báo cơ sở dữ liệu về đơn vị, phương tiện kinh doanh vận tải do Sở quản lý, đơn vị thường xuyên vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, gửi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hằng năm, cập nhật và thông báo số lượng phương tiện xe cơ giới hết niên hạn sử dụng hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên thực hiện rà soát đơn vị, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng (Công an, thuế, y tế) và các cơ quan khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

[...]