Kế hoạch 38/KH-UBND phòng, chống, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024

Số hiệu 38/KH-UBND
Ngày ban hành 26/01/2024
Ngày có hiệu lực 26/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG, CAI NGHIỆN VÀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 342/KH-UBND ngày 02/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Chương trình Phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng, chống, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh năm 2024, với các nội dung sau cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt là cấp cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện góp phần giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, thông qua việc thực hiện các biện pháp, mô hình đa dạng, toàn diện, liên tục, chất lượng công tác điều trị, tư vấn, xã hội, việc làm, kết hợp với các biện pháp giảm hại của sử dụng ma tuý và dự phòng hạn chế lây nhiễm HIV do tiêm chích ma tuý.

2. Chỉ tiêu

- Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý.

- Tổ chức tư vấn, cai nghiện, điều trị nghiện 80-85% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các hình thức phù hợp.

- 100% người đã hoàn thành cai nghiện được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng với các hình thức giáo dục, tư vấn, giám sát phù hợp.

- 100% cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện ở Trung tâm và ở cấp huyện, cấp xã được tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- 100% học viên cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định đều được học nghề; 100% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về cai nghiện, phòng, chống và kiểm soát ma túy với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền có chiều sâu và tuyên truyền trực tiếp; tập trung tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ma tuý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn cho học sinh, sinh viên, học viên để nâng cao ý thức phòng ngừa.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên không gian mạng Internet thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; trên kênh Youtube, Zalo, ứng dụng Hue-S nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

2. Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng

- Lựa chọn, đặt hàng giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cộng đồng cho đơn vị sự nghiệp công lập theo Điều 21 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý tại các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là NĐ 116/2021/NĐ-CP).

- Vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cai cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về: quy trình tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quy định về chế độ chính sách đối với người cai nghiên tại gia đình và cộng đồng,… phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng đã thành lập tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm giúp người sử dụng ma túy, người đang cai nghiện tại cộng đồng và gia đình họ liên hệ được với các dịch vụ y tế và xã hội khi cần thiết nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện, tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

- Đẩy mạnh công tác rà soát xác định tình trạng nghiện, vận động người sử dụng ma túy tự nguyện xác định tình trạng nghiện và tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

3. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tập trung

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo Quyết định số 3264/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 về việc phê duyệt dự án Cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, chữa trị và giáo dục, tư vấn dạy nghề, lao động sản xuất cho học viên vào cai nghiện tại Trung tâm. Tạo môi trường cai nghiện tốt để người nghiện ma túy yên tâm cai nghiện và tự nguyện xin vào cai nghiện.

- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, lực lượng bảo vệ làm công tác quản lý, cai nghiện ma túy.

[...]