Kế hoạch 3729/KH-UBND năm 2020 triển khai Quyết định 957/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 3729/KH-UBND
Ngày ban hành 16/10/2020
Ngày có hiệu lực 16/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phạm Văn Hậu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3729/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 957/QĐ-TTG NGÀY 06/7/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 (viết tắt là Quyết định số 957/QĐ-TTg). Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 957/QĐ-TTg, tạo sự chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đối với công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển (bao gồm bờ sông, suối, kênh, rạch và bờ biển).

2. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nước ngoài đối với công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển (bao gồm bờ sông, suối, kênh, rạch và bờ biển).

3. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn của tỉnh Ninh Thuận.

4. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể thuộc phạm vi quản lý, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, bố trí các nguồn lực thích đáng, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện có hiệu quả.

II. CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung:

a) Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro do sạt lở:

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, nội dung của Quyết định số 957/QĐ-TTg; công tác thông tin, tuyên truyền cần tổ chức thực hiện thường xuyên, bài bản, kịp thời đến các đối tượng, tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng có nguy cơ sạt lở cao,...

- Lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn, đặc điểm từng vùng, từng nhóm cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương;

- Tăng cường tuyên truyền cho người dân các kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dàn sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân;

- Tuyên truyền, phổ biến cách tiếp cận, giải pháp mới về phòng ngừa sạt lở bờ sông bờ biển;

- Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng biển ven bờ vùng bờ cát;

- Phối hợp xác định các vùng bờ biển dễ bị tổn thương và biến đổi lớn thuộc địa bàn quản lý; đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ bờ biển.

b) Lồng ghép nội dung về phòng ngừa sạt lở vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển phai đề phòng nguy cơ sạt lở và không làm tăng nguy cơ sạt lở. Khi xảy ra sạt lở phải tập trung ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

c) Kiện toàn cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

d) Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể của địa phương nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

đ) Kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rùng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế cho nhân dân.

e) Sơ tán dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm; từng bước sắp xếp lại dân cư, sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho nhân dân.

g) Tổ chức nghiên cứu phương án chỉnh trị, phòng chống sạt lở đối với các tuyến sông, vùng bờ biển trên địa bàn, làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh.

h) Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó: tập trung xử lý khẩn cấp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; xây dựng công trình chỉnh trị sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp; xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở. Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng nhiệm vụ, dự án phòng chống sạt lở đến năm 2030.

i) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

k) Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn trên các sông suối, kênh rạch và hệ thống quan trắc xói, bồi bờ biển.

2. Nhiệm vụ cụ thể: Chi tiết theo Phụ lục I, II và III đính kèm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]