Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Kế hoạch 37/KH-UBND thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 28/02/2024
Ngày có hiệu lực 28/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Bình Định, ngày 28 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỢP TÁC XÃ DO PHỤ NỮ THAM GIA QUẢN LÝ, TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NỮ ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 14/6/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định (gọi tắt là Đề án 01), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 01 trên địa bàn tỉnh năm 2024 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch); như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp, kinh tế tập thể (KTTT), Hợp tác xã (HTX). Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, hỗ trợ của hội viên, phụ nữ trong cộng đồng; nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình hội viên phụ nữ tại địa phương, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX.

- Cụ thể hoá các chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.

- Hỗ trợ phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình HTX có phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ cả về quy mô và chất lượng hoạt động.

2. Yêu cầu:

Tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của các Sở, ban, ngành, các Hội đoàn thể, các tổ chức, Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Đề án; chú trọng lồng ghép với các đề án, chương trình, dự án khác có liên quan đang được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về phát triển KTTT, HTX, về bình đẳng giới trong phát triển kinh tế, việc làm:

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, hội viên, phụ nữ về vai trò, tầm quan trọng của KTTT, HTX đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh.

- Đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền. Xây dựng phóng sự về các điển hình phụ nữ trong phát triển HTX, các chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.

- Xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục về HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

2. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ:

- Tập trung rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, có đông lao động là nữ, từ đó có biện pháp cụ thể giúp các HTX nâng cao chất lượng hoạt động.

- Tư vấn, hướng dẫn HTX chủ động xây dựng lộ trình phát triển, gia tăng thành viên, tăng giá trị vốn góp điều lệ; huy động tín dụng nội bộ. Tăng cường hoạt động hợp tác, tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình quốc tế (nếu có).

- Kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử/kênh/chợ mua sắm online để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX: Cổng thông tin điện tử của Hội, Báo Phụ nữ Việt Nam; kênh thông tin của các huyện/thị xã/thành phố, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị,…

- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối, liên kết giữa HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, doanh nghiệp và nhà phân phối để đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đăng ký nhãn mác, bảo hộ thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, định danh vùng trồng,... kết nối cung cầu, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm.

- Chú trọng phát triển các HTX các ngành nghề phụ nữ có thế mạnh, phù hợp với đặc điểm của lao động nữ (nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, đan lát, dệt thổ cẩm, may mặc,…), HTX gắn liền với đặc thù địa phương, gắn với làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hoá, phát huy tài nguyên bản địa,…; HTX sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tham gia chuỗi cung ứng, chế biến, sản phẩm OCOP… tăng khả năng tạo cơ hội việc làm cho lao động nữ.

3. Hỗ trợ, tư vấn, xây dựng các HTX, Tổ hợp tác (THT) do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ:

- Hỗ trợ, tư vấn pháp lý, vận động kết nối nguồn lực thành lập mới các THT, HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; các HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ gắn với sản xuất các sản phẩm chủ lực của từng vùng, từng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn, công nghệ cao. Phấn đấu năm 2024 thành lập ít nhất 03 HTX có nữ tham gia quản lý, điều hành.

- Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn HTX, THT xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; phương án thu hút, mở rộng thành viên; tư vấn xây dựng điều lệ; hướng dẫn thủ tục sắp xếp, củng cố tổ chức, hoạt động của HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, các HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ phù hợp với các quy định hiện hành. Hỗ trợ thành lập, ra mắt HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.

- Lựa chọn các mô hình/Tổ liên kết phát triển kinh tế do nữ tham gia quản lý và có đông lao động nữ đang hoạt động hiệu quả để vận động nâng lên HTX.

4. Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ:

- Tổ chức đào tạo, tập huấn (trực tiếp/online) hoặc phối hợp đào tạo, tập huấn cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về KTTT, HTX cho nữ là cán bộ quản lý HTX, ban quản lý THT.

- Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất cho ít nhất 50% thành viên HTX và lao động nữ tham gia lao động tại HTX. Hỗ trợ, tư vấn xây dựng điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của 100% HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ phù hợp với các quy định hiện hành.

[...]