Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 27/03/2018
Ngày có hiệu lực 27/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Quang
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 27 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ PHẤN ĐẤU ĐƯA KINH TẾ TỈNH HÒA BÌNH SỚM ĐẠT TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN TRUNG BÌNH CỦA CẢ NƯỚC VÀO NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành động Trung ương Đảng (Khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành động Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 30/5/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế - phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020; Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu

Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ, du lịch có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư phát triển vùng kinh tế động lực. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; thu hút đầu tư có chất lượng, có trọng điểm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

2. Chỉ tiêu

* Giai đoạn 2016-2020:

2.1. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9%/năm; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 10,1%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5%/năm; dịch vụ tăng 8,9%/năm.

2.2. Thu hút trên 76.250 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (bằng khoảng 35% GRDP), bình quân hàng năm tăng 11,2%, trong đó: Ngân sách Nhà nước chiếm 20%, vốn FDI chiếm 14%, vốn đầu tư của các dự án trong nước chiếm 33%, vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp và tầng lớp dân cư chiếm 33%.

2.3. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3%/ năm.

* Đến năm 2020:

2.4. GRDP bình quân đầu người đạt 3.000 - 3.200 USD (tương đương 60 - 65 triệu đồng).

2.5. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 57,8%; dịch vụ chiếm 26,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,8%.

2.6. Tăng tỷ trọng giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất: Đối với công nghiệp đạt tỷ lệ 57%, dịch vụ đạt 70% và nông nghiệp đạt 61%.

2.7. Năng suất lao động xã hội bình quân đạt 82 triệu đồng, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 28 triệu đồng, công nghiệp - xây dựng 168 triệu đồng; dịch vụ đạt 194 triệu đồng.

2.8. Nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh thông qua tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu nằm trong top 40 của cả nước.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

1.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tham mưu: Điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu theo số lượng sang chất lượng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Phát triển các yếu tố tạo nền tảng cho tăng năng suất nhanh, bền vững thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ công nghệ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và tăng cường cải cách hành chính.

Thời gian thực hiện: Hàng năm.

1.2. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu và tập trung phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao kết hợp với du lịch sinh thái và phát triển nghề truyền thống; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung ưu tiên phát triển công tác nghiên cứu, tạo ra những giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất và hiệu quả cao; khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản.

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ, giá trị gia tăng cao, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, giảm tỷ trọng các ngành gia công, chế biến sử dụng đầu vào nhập khẩu, sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên.

[...]