Kế hoạch 368/KH-UBND năm 2017 thực hiện Kết luận 24-KL/TU về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 368/KH-UBND
Ngày ban hành 21/06/2017
Ngày có hiệu lực 21/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 368/KH-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 24-KL/TU NGÀY 12/12/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỊ XÃ TÂN CHÂU ĐẾN NĂM 2020 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 24-KL/TU ngày 12/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 24-KL/TU ngày 12/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển thị xã Tân Châu đến năm 2020 định hướng đến năm 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Phấn đấu đưa nền kinh tế thị xã Tân Châu tăng trưởng nhanh, bền vững, có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao. Định hướng phát triển trở thành một đô thị biên giới, là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế biên mậu làm nhiệm vụ trọng tâm, tạo sự đột phá trong việc huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại. Đến năm 2020, thị xã Tân Châu đạt chuẩn đô thị loại III, là trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Về kinh tế

1.1. Phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ du lịch. Phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng phát triển của thị xã Tân Châu, nhất là tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biên mậu; bảo đảm phát triển bền vững. Chủ động liên kết với các địa phương trong tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh giáp biên giới Campuchia, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ; xây dựng và phát triển mạng lưới chợ trung tâm thị xã, xã phường từ nhiều nguồn vốn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; phối hợp với Saigon Co.op triển khai dự án đầu tư siêu thị Co.opmart Tân Châu tại vị trí siêu thị Vinatex cũ để sớm đưa vào khai thác.

Triển khai đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục thuộc khu Kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, đặc biệt là đầu tư xây mới chợ Trung tâm xã Vĩnh Xương (theo Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia). Đồng thời, xúc tiến trình Chính phủ cho phép nâng cấp cửa khẩu Vĩnh Xương thành cửa khẩu quốc tế (phần đường bộ) nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tại cửa khẩu.

Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ về: ẩm thực, khách sạn, vui chơi, giải trí...nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách quá cảnh qua khu vực kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương; tạo điều kiện phát triển các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, logistics, bưu chính viễn thông, y tế, đào tạo nghề. Nghiên cứu phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương; từng bước hình thành trung tâm phân phối hàng hóa cấp vùng tại Tân Châu trước khi xuất sang thị trường Campuchia và các nước ASEAN, tiến đến hình thành trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chủ động khai thác hiệu quả chương trình hợp tác kinh tế - thương mại với Campuchia, thông qua việc tăng cường liên kết, phối hợp về hoạt động biên mậu với các địa phương của Campuchia. Phát triển hệ thống phân phối theo hướng liên kết bán hàng với các nhà phân phối chuyên nghiệp để tiêu thụ hàng hóa ổn định; có kế hoạch liên kết thương mại với thành phố Châu Đốc, huyện An Phú, Phú Tân để tăng cường khả năng sản xuất, hỗ trợ nhau trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Tăng cường liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để tổ chức khai thác các tuyến du lịch xuyên dòng sông Mêkông thông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương; du lịch sông nước gắn với nghỉ dưỡng, tắm cồn thuộc các xã Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương; du lịch tham quan các làng nghề truyền thống lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm người Chăm, các di tích lịch sử: Núi Nổi – Giồng Trà Dên, chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, chùa Giồng Thành...

1.2. Tập trung rà soát, xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển thị xã theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biên mậu và du lịch. Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, cân đối đủ nguồn lực thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án xây dựng trên địa bàn thị xã đã được tỉnh và Trung ương phê duyệt.

Triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng thị xã Tân Châu đến năm 2035; Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Tân Châu đến năm 2025, và định hướng đến năm 2030 sau khi được phê duyệt; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Quy hoạch các phân khu chức năng của 5 phường tỷ lệ 1/2000. Trên cơ sở đó, thị xã xác định các dự án trọng điểm, mang tính chiến lược để thu hút đầu tư nhằm bảo đảm cho việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn có tính khả thi cao. Triển khai lập Đề án nâng đô thị thị xã Tân Châu trở thành đô thị loại III trước năm 2020. Song song đó cần triển khai ngay kế hoạch khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đảm bảo theo quy định.

Thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai và môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xây dựng trên địa bàn nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm làm ảnh hưởng đến quy hoạch xây dựng kiến trúc đô thị.

1.3. Huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế biên mậu và du lịch, chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng thị xã phát triển trở thành một đô thị biên giới, là vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Huy động mọi nguồn lực, kể cả vốn ngân sách, vốn nước ngoài, vốn khai thác từ quỹ đất, vốn doanh nghiệp, để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn sự nghiệp hàng năm theo lộ trình để Tân Châu thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị, sớm đạt các tiêu chí đô thị loại III như mục tiêu đề ra.

Thực hiện cơ chế chính sách về đầu tư và ưu đãi đầu tư, đặc biệt là chính sách về phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hóa, giá dịch vụ, các chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai. Song song với công tác huy động các nguồn lực, cần tập trung tạo quỹ đất, đáp ứng cho nhu cầu kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, sắp xếp các công trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên, thật sự cần thiết để có hướng tập trung đầu tư, tránh dàn trãi; tập trung phát triển thị xã Tân Châu thành đô thị loại III; chú trọng nâng cao chất lượng công trình đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án, công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiến hành lập các dự án cơ hội để kêu gọi đầu tư như: Dự án nâng cấp, chỉnh trang Khu dân cư ngập úng, ô nhiễm môi trường (phường Long Hưng, thị xã Tân Châu), cảng Tân Châu. Tranh thủ tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho khu vực trung tâm thị xã, nhà máy xử lý rác liên huyện Phú Tân – Tân Châu, nâng cấp mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác xã Vĩnh Hòa. Phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị Sao Mai Tân Châu và Dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân Thiên Thiên Hương.

Huy động nguồn lực (ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh) nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch như: Tỉnh lộ 952, 953, 954, cầu Am Lôi Thôi; tiếp tục đầu tư xây dựng đường lộ sau sông Tiền nối dài đến Km5; tích cực tranh thủ Trung ương và kêu gọi đầu tư các công trình: Bến phà Tân Châu – Hồng Ngự (về lâu dài cần quy hoạch xây dựng cầu Tân Châu – Hồng Ngự), tuyến N1 đoạn tuyến Tân Châu - Châu Đốc, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng trước năm 2020.

Tiếp tục san lấp Kênh Vĩnh An (đoạn từ phường Long Phú đến cầu Phú Vĩnh) và đầu tư xây dựng khu dân cư đường dẫn cầu Tân An, các cụm – tuyến dân cư: Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Châu Phong để bố trí chổ ở cho các hộ dân bị sạt lở, ổn định đời sống của người dân.

1.4. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, mang tính đột phá của thị xã, nhất là công nghiệp chế biến (lương thực, thủy sản), tiểu thủ công nghiệp gắn với việc khai thác lợi thế kinh tế biên mậu.

Tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến thị xã xây dựng nhà xưởng, nhà máy sản xuất tại các Cụm công nghiệp tập trung để tăng hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, tăng tỷ lệ nông thuỷ sản được chế biến, giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy xuất khẩu.

Triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Long Châu, cụm công nghiệp Vĩnh Xương, Khu công nghiệp - thương mại – dịch vụ cửa khẩu Vĩnh Xương. Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thị xã tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp: Long Sơn, Long An và Châu Phong.

Tại các cụm công nghiệp, thị xã tập trung thu hút các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản, chế biến lương thực thực phẩm; công nghiệp chế tạo hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, các loại hình sản xuất công nghiệp liên quan đến hoàn tất (tinh chế, đóng gói, bao bì); công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày dép) phục vụ cho xuất khẩu. Tại cụm công nghiệp Vĩnh Xương, thực hiện sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, đóng gói hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ.

[...]