Kế hoạch 3612/KH-UBND năm 2021 về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3612/KH-UBND
Ngày ban hành 29/09/2021
Ngày có hiệu lực 29/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tuấn Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3612/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 29 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Hướng dẫn số 3759/BNV-CCHC ngày 02/8/2021 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHUNG

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.

Phấn đấu hàng năm cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI của tỉnh, đến năm 2025: Chỉ số PAR Index nằm trong tốp 20 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương; Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS nằm trong tốp 30 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương.

2. Nhiệm vụ chung:

Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện toàn diện trên 06 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, trọng tâm là:

- Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân và từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua.

- Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, dám nghĩ, dám làm, có khát vọng đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm.

- Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Cải cách thể chế:

a) Mục tiêu:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển của tỉnh; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Hàng năm, 100% văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

- Hàng năm, xử lý hoặc kiến nghị xử lý dứt điểm 100% các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ban hành trái pháp luật phát hiện qua kết quả rà soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

b) Nhiệm vụ cụ thể:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy trình các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các quy định của Trung ương.

[...]