Quyết định 681/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025"

Số hiệu 681/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/07/2021
Ngày có hiệu lực 30/07/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 681/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 30 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2010 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021- 2025;

Căn cứ Thông báo số 603-KL/VPTU ngày 03 tháng 9 năm 2020 của Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum về ý kiến của đồng chí Dương Văn Trang, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu Đề án

1.1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vị trí vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa công chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum; triển khai đồng bộ các hoạt động gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại. Tiếp tục từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum; giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum đến bạn bè trong và ngoài nước; gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Tuyên truyền, vận động sâu rộng trong mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức sâu sắc về giá trị di sản văn hóa cồng chiêng và trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay.

- Tổng kiểm kê toàn diện hệ thống di sản không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh nhằm xác định không gian sống, số lượng (bộ cồng chiêng và các bản nhạc cồng chiêng), giá trị và phân loại, lập danh mục về cồng chiêng phục vụ quá trình bảo tồn, phát huy giá trị trong những giai đoạn tiếp theo.

- Đến năm 2025, phấn đấu 100% làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; 50% làng đồng bào dân tộc thiểu số khác có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng được hỗ trợ cồng chiêng nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc; thành lập các Câu lạc bộ về văn hóa dân gian, phấn đấu đến năm 2025, 10/10 huyện, thành phố có ít nhất 02 Câu lạc bộ.

- 100% cán bộ văn hóa xã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương.

- 10/10 huyện, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, xoang và chỉnh âm cồng chiêng trong làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ tại địa phương.

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ cồng chiêng, mở lớp truyền dạy trong các cấp học và tại các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Khôi phục và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống liên quan đến văn hóa cồng chiêng để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Thúc đẩy sinh hoạt văn hóa cộng đồng, duy trì các lễ hội truyền thống tốt đẹp có sử dụng cồng chiêng.

2. Phạm vi, thời gian và đối tượng của Đề án

2.1. Phạm vi thực hiện

Công tác bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2.2. Thời gian thực hiện: Thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

[...]