Kế hoạch 353/KH-UBND năm 2022 về phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025 do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 353/KH-UBND
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 30/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 353/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Nhân lực ngành Y tế có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng bao gồm y tế dự phòng và khám bệnh chữa bệnh, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe. Đội ngũ nhân lực y tế đa chuyên ngành, có chuyên môn tốt có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao và lấy người dân làm trung tâm là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu y tế đang thay đổi tại Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn đang có sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số như hiện nay. Trong công cuộc cải cách hệ thống Y tế tại Việt Nam, một trong những việc trọng tâm là tập trung xây dựng nguồn nhân lực ngành Y tế.

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

PHẦN 1

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ HÀ NỘI

1. Tổ chức bộ máy

Sở Y tế là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Sở Y tế hiện đang quản lý 80 đơn vị trực thuộc (bao gồm Bệnh viện Nhi đang xây dựng), trong đó có 03 đơn vị quản lý hành chính nhà nước, 42 Bệnh viện, 05 Trung tâm chuyên khoa, 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, gồm 579 trạm Y tế xã, phường, thị trấn, 04 nhà hộ sinh và 53 phòng khám đa khoa khu vực.

Trên địa bàn Thành phố còn có 36 bệnh viện bộ, ngành Trung ương cùng tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân Thủ đô.

Khối y tế ngoài công lập hiện có 14.096 cơ sở hành nghề y dược tư nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 42 Bệnh viện; 4.531 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, 9.523 cơ sở hành nghề dược tư nhân.

2. Nhân lực

2.1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu về nhân lực y tế đến 2021:

- Chỉ tiêu Bác sỹ/10.000 dân là 13,7; đạt chỉ tiêu Thành phố giao là 13,7 Bác sỹ/10.000 dân.

- Chỉ tiêu Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y/10.000 dân duy trì ở mức 26,4; vượt chỉ tiêu Thành phố giao là 25.

- Chỉ tiêu dược sỹ đại học/vạn dân đạt 8,4; vượt chỉ tiêu Thành phố giao là 3,0.

2.2. Nhân lực khối y tế công lập của Thành phố:

- Mặc dù có hiện tượng nhân viên y tế thôi nghỉ việc nhưng số lượng nhân lực làm chuyên môn y tế tại các đơn vị có xu hướng tăng nhẹ, cơ cấu nhân lực khá ổn định. Đến năm 2021 toàn ngành có 26.572 cán bộ, tăng so với năm 2018 có 25.781 cán bộ.

- Tính đến 31/12/2021, toàn ngành có 470 cán bộ có trình độ Tiến sỹ và chuyên khoa II, 2.328 cán bộ có trình độ Thạc sĩ và chuyên khoa I, 7.876 cán bộ có trình độ Đại học. Tỷ lệ cán bộ trình độ Đại học và sau Đại học là 40,2%. Tuy nhiên cán bộ y tế có trình độ Đại học và sau Đại học của tuyến Y tế cơ sở còn thấp so với tuyến Thành phố.

- 100% các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc, trong đó có 513/579 (88,6%) Trạm Y tế có bác sỹ cơ hữu tại trạm.

2.3. Nhân lực khối y tế ngoài công lập:

- Nhân lực khối y tế ngoài công lập tăng nhanh qua các năm. Năm 2018 mới chỉ có 17.271 cán bộ tham gia nhưng đến năm 2021 đã có 24.837 người. Cơ cấu nhân lực tăng nhiều ở đối tượng dược sĩ, ngoài ra các đối tượng là bác sỹ, điều dưỡng cũng có sự gia tăng đáng kể.

- Tính đến 31/12/2021, khối ngoài công lập có 819 cán bộ có trình độ Tiến sỹ và chuyên khoa II; 1.493 cán bộ có trình độ Thạc sĩ và chuyên khoa I, 10.689 cán bộ có trình độ Đại học. Tỷ lệ cán bộ trình độ Đại học và sau Đại học là 52,3%, trong đó dược sỹ đại học chiếm tỷ trọng lớn.

3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng

3.1. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn:

- Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng năm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, cử cán bộ đi học các trình độ Tiến sỹ, chuyên khoa cấp II, Thạc sỹ, chuyên khoa cấp I, bác sỹ, cử nhân và tương đương. Giai đoạn từ 2018 - 2021, các đơn vị y tế công lập trong ngành đã cử 1.351 lượt cán bộ đi đào tạo Đại học, 1.064 lượt cán bộ đi đào tạo sau Đại học. Tuy nhiên, số cán bộ tuyến Y tế cơ sở được đi đào tạo Đại học chiếm 49,2% nhưng đi đào tạo Sau đại học chỉ chiếm 24,4% so với toàn Thành phố (Khối TTYT là 12,9%, khối các bệnh viện huyện là 11,5%).

- Đặc biệt, những năm qua, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã cử xấp xỉ 5.000 cán bộ đi học để chuẩn hóa trình độ cao đẳng cho đối tượng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và dược theo quy định của Bộ Y tế.

- Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức thực hiện Đề án đào tạo Bác sỹ nội trú do UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt:

+ Từ năm 2012 đến 2017 đã đào tạo được 69 bác sỹ nội trú.

[...]