Kế hoạch 352/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 352/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2024
Ngày có hiệu lực 02/12/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 352/KH-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34-CT/TU NGÀY 16/8/2024 CỦA THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 16/8/2024 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 34-CT/TU), Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về vai trò của an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, đồng thời nắm vững nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Chỉ thị 34-CT/TU.

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền đối với công tác ATTP, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi, đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của Thành phố và đất nước.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phân định rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, ATTP, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Đưa tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thực hiện học tập quán triệt Chỉ thị 34-CT/TU, gắn với học tập các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đi sâu chỉ đạo việc xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch về đảm bảo ATTP của địa phương, đơn vị; triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về ATTP đến toàn dân trên địa bàn, giúp người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về ATTP.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất giữa các Sở, ban, ngành, địa phương và quy định rõ chế độ thông tin báo cáo trong quá trình thực hiện.

* Mục tiêu cụ thể

- Kịp thời ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách, văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, đề án trong công tác quản lý an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

- Nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Thành phố tới cơ sở theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với các quy định của Đảng và nhà nước.

- 100% Ban Chỉ đạo công tác ATTP và cán bộ làm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cấp Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm hàng năm.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về an ninh, ATTP cho các đối tượng là người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. 100% người quản lý; 100% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kiến thức, thực hành đúng về ATTP.

- 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận.

- 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm toàn Thành phố, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ theo kế hoạch.

- 100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo, điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 07 người/100.000 dân/năm.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến thực phẩm áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo GAP, HACCP, ISO 22000…; Phát triển các chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc.

- 100% thông tin phản ánh về không bảo đảm ATTP được kiểm tra xác minh và xử lý kịp thời.

- 100% hành vi vi phạm về ATTP được xử lý theo quy định.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương “về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 17-CT/TW) và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trước hết là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố về ý nghĩa, tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm ATTP. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn phải có trách nhiệm và uy tín bảo đảm ATTP để phục vụ đời sống của nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm ATTP ở tất cả các khâu, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh, ATTP là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Chỉ đạo đưa các tiêu chí về đảm bảo ATTP vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, từng giai đoạn của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo ATTP theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, ATTP.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, ATTP. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo ATTP. Có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, ATTP để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

4. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát ATTP ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Chú trọng giám sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về ATTP tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

[...]
3