Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2024 triển khai công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025-2030

Số hiệu 156/KH-UBND
Ngày ban hành 27/09/2024
Ngày có hiệu lực 27/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 27 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2025 - 2030

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm (ATTP) ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định thi hành chi tiết một số điều của Luật ATTP; Nghị định số 155/2018/NĐ- CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025 - 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trong các KCN tỉnh nhằm góp phần chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm (gọi chung là các sự cố về ATTP), bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn các KCN tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tỷ lệ người quản lý; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các doanh nghiệp trong các KCN có kiến thức, thực hành đúng về ATTP đạt trên 95%.

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt điều kiện ATTP chiếm trên 95%.

- Duy trì, nhân rộng mô hình "Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống" bảo đảm ATTP tại các doanh nghiệp trong các KCN (lũy kế): ≥ 100 cơ sở thực phẩm.

- Triển khai lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn xung quanh các KCN: ≥ 60 mẫu/năm; giám sát chất lượng ATTP tại các doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca cho người lao động: ≥ 200 mẫu/năm.

- Tỷ lệ mắc trong các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận tại các doanh nghiệp trong các KCN dưới 5 người mắc/100.000 người lao động.

II. THỜI GIAN, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2025 đến năm 2030.

2. Phạm vi, đối tượng:

- Phạm vi: Các KCN trên địa bàn tỉnh.

- Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ, các sự kiện trên địa bàn các KCN tỉnh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về chỉ đạo điều hành

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu, định hướng đối với công tác QLNN về ATTP trong các KCN tỉnh theo nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh[1]; Kế hoạch số 95/KH-BCĐLN ngày 01/6/2023 của BCĐLN về ATTP tỉnh[2].

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác QLNN về ATTP trong các KCN tỉnh theo quy định pháp luật; gắn việc thực hiện nhiệm vụ về bảo đảm ATTP với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng, giám đốc doanh nghiệp trong các KCN.

- Đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và thực hiện kiểm soát ATTP ngay từ yếu tố đầu vào; triển khai kết nối cung - cầu thực phẩm an toàn đến các tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp trong các KCN để người lao động được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn.

- Triển khai hoạt động liên ngành, chuyên ngành trong QLNN về ATTP; tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn về bảo đảm ATTP tại các doanh nghiệp trong các KCN theo hướng dẫn của Bộ Y tế; UBND tỉnh, BCĐLN về ATTP tỉnh[3].

- Tăng cường công tác phối hợp QLNN về ATTP trong việc nắm tình hình, trao đổi thông tin, giám sát, kiểm tra, thanh tra… giữa cơ quan chủ quản, các ngành đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về ATTP của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh để chia sẻ, cập nhật và trao đổi giữa các ngành, địa phương, giúp nâng cao hiệu quả QLNN về ATTP.

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai công tác QLNN về ATTP trong các KCN và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

[...]