Kế hoạch 35/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 do tỉnh Trà Vinh ban hành

Số hiệu 35/KH-UBND
Ngày ban hành 15/04/2024
Ngày có hiệu lực 15/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Lê Văn Hẳn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 168/NQ-CP NGÀY 11 THÁNG 10 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

- Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

- Phân công rõ nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong triển khai thực hiện và xác định lộ trình, thời gian hoàn thành, nguồn lực thực hiện đối với từng nhiệm vụ.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác triển khai, tuyên truyền, vận động sâu rộng các chủ trương của đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội thuộc phạm vi, thẩm quyền của tỉnh, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

- Xây dựng bộ máy nhà nước ở địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính.

- Triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa theo quy định; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông; huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Kịp thời tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo ủy quyền hoặc chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

- Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp… nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

- Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính.

- Kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện.

- Rà soát, cụ thể hóa quy định về trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách.

2. Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

- Rà soát, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý đảm bảo minh bạch và trách nhiệm cao, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chấn chỉnh, khắc phục ngay và xử lý nghiêm minh những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm và không hoàn thành trách nhiệm được giao trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

[...]