Kế hoạch 3478/KH-UBND năm 2014 bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 3478/KH-UBND
Ngày ban hành 05/09/2011
Ngày có hiệu lực 05/09/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Thị Thu Thuỷ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3478/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 05 tháng 9 năm 2011

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ Quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;

Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII, Nghị quyết 01-NQ/TV ngày 12/11/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh về "đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ CNH-HĐH giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020"; Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh về "Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020";

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân về bình đẳng giới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, gia đình; tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc xã hội, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

II. CÁC MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CỤ THÓ

1. Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị

- Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đến năm 2015 có 80% Sở, ban, ngành, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo quản lý là nữ.

- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 60% trở lên cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội có lãnh đạo quản lý là nữ và đạt 70% trở lên nếu các cơ quan, tổ chức này có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Chỉ tiêu 3: Đến năm 2015, đạt 97% đơn vị quản lý và cơ sở giáo dục đào tạo có cán bộ nữ tham gia Ban lãnh đạo.

Nhóm các giải pháp để thực hiện Mục tiêu 1:

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách cán bộ, công chức, viên chức nữ trong các kế hoạch, quy hoạch cán bộ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các địa phương thực hiện quy hoạch cán bộ nữ.

- Chỉ đạo, thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác tổ chức cán bộ; xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng, cơ cấu, đề bạt, đảm bảo cơ cấu hợp lý công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số ngành đặc thù. Thực hiện các biện pháp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tăng cường trang bị nhận thức về giới, lồng ghép giới cho đội ngũ lãnh đạo các ngành, các cấp.

- Rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch của Tỉnh liên quan đến độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu của cán bộ. Xác định những bất hợp lý, bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Bình đẳng giới.

- Tham mưu với Tỉnh uỷ chỉ đạo việc xác định tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hằng năm nhằm thực hiện công tác tạo nguồn và quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể.

- Hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho nữ cán bộ lãnh đạo trẻ thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án nâng cao năng lực.

- Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp liên ngành thực hiện công tác bình đẳng giới; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, quan tâm việc thực hiện các quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.

2. Mục tiêu 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, biển đảo, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động

- Chỉ tiêu 1: Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất tỷ lệ 45% cho mỗi giới (nam và nữ).

- Chỉ tiêu 2: Đạt tỷ lệ 80% nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 3: Phấn đấu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 30% trở lên vào năm 2015.

- Chỉ tiêu 4: Đến năm 2015, 100% doanh nghiệp Nhà nước sử dụng từ 30% lao động nữ trở lên có cán bộ lãnh đạo quản lý là nữ.

Nhóm các giải pháp để thực hiện Mục tiêu 2:

- Xác định rõ chỉ tiêu nữ trong cơ cấu chung về đào tạo nghề dự phòng, dạy nghề, tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm. Hằng năm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ. Thực hiện lồng ghép giới trong chương trình quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường lao động, đào tạo nghề có tách biệt theo giới tính.

[...]