Kế hoạch 341/KH-UBND năm 2020 về cải cách hành chính tỉnh Lào Cai năm 2021

Số hiệu 341/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2020
Ngày có hiệu lực 29/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 341/KH-UBND

Lào Cai, ngày 29 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH LÀO CAI NĂM 2021

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện Văn bản số 6459/BNV-CCHC ngày 07/12/2020 của Bộ Nội vụ về việc xây dựng kế hoạch và báo cáo cải cách hành chính định kỳ năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lào Cai năm 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

- Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ trong hệ thống các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quản lý biên chế theo vị trí việc làm. Chú trọng xây dựng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời đảm bảo cân đối tỷ lệ người địa phương, cán bộ nữ. Tăng cường bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đẩy mạnh cải cách tài chính công. Phát triển Chính quyền điện tử phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất, kết nối, liên thông và đồng bộ.

- Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) được cải thiện; nâng cao chất lượng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT - Index).

2. Yêu cầu:

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức đầy đủ, xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trên cơ sở tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện.

- Gắn kết chặt chẽ việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2021 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; bảo đảm nâng cao năng lực, kỹ năng thực thi công vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; gắn cải cách hành chính với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Về cải cách thể chế:

100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, có tính khả thi cao, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận. Tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.

2. Cải cách thủ tục hành chính:

- Triển khai hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công đảm bảo hiệu quả, thiết thực; theo dõi, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thực hiện tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) đối với 20% - 25% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 50% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ.

-100% thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã tiếp tục được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tiếp tục thực hiện đầu tư, nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại đối với cấp xã. Cải cách mạnh mẽ quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường ứng dụng thông tin, truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

- Từ 35% - 40% thủ tục hành chính đáp ứng được yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động và được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt từ 35% - 40% trở lên.

- 100% đơn vị cấp huyện và 30% các đơn vị cấp tỉnh có thủ tục hành chính được khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; trên 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- 60% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

3. Cải cách tổ chức bộ máy:

- 100% cơ quan, đơn vị rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vị trí việc làm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định.

- Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Thực hiện hiệu quả bộ Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

4. Cải cách chế độ công vụ:

- Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

- Nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

[...]