Kế hoạch 3257/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình hành động và Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 3257/KH-UBND
Ngày ban hành 21/09/2015
Ngày có hiệu lực 21/09/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Trần Thanh Liêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3257/KH-UBND

Bình Dương, ngày 21 tháng 09 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW NGÀY 09/6/2014 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI “VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC”

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Vxây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW;

Căn cứ Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU ngày 12/9/2014 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI);

Căn cứ Quyết định số 2850/QĐ-BVHTTDL ngày 24/8//2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng con người Bình Dương phát triển với những chuẩn mực văn hóa góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống hướng tới chân - thiện - mỹ; phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; tác phong công nghiệp; có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự trọng, tự chủ; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; có ý chí tự lực tự cường, trí tuệ, năng động, sáng tạo, hiếu khách, sống có nghĩa có tình, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, nếp sống văn minh.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị và hiện đại hóa nông thôn hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Xây dựng tiêu chí văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước, vận động các doanh nghiệp tham gia xây dựng môi trường “Văn hóa doanh nghiệp”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” với ý thức tôn trọng pháp luật.

2. Yêu cầu

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành và Chương trình hành động của Tỉnh ủy “Vxây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thể hiện rõ quan điểm đường lối của Đảng ta về văn hóa, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới của đất nước nói chung và tỉnh nói riêng; Vì vậy, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp cần quan tâm quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả.

Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ, Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU ngày 12/9/2014 của Tỉnh ủy Bình Dương “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, các đề án, quy hoạch gắn với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương.

Xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các giá trị chuẩn mực văn hóa: Ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao đạo đức, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng con người Bình Dương với những chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh

Hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học: Chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách trong sáng lành mạnh trong đối tượng học viên và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, chất lượng dạy và học ở các bậc học phổ thông, chuyên nghiệp, dạy nghề, xây dựng môi trường giáo dục, môi trường văn hóa học đường; đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tích cực xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, xây dựng các tiêu chí văn hóa phù hợp với nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn hóa ở địa bàn dân cư (tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, tiêu chí nếp sống văn minh đô thị, quy ước khu phố, ấp văn hóa...); sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, coi trọng việc giữ gìn bảo vệ môi trường sống.

Đấu tranh phê phán các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, lạc hậu, lối sống thờ ơ, vô cảm, thực dụng, ích kỷ ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, văn hóa con người Việt Nam.

Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc sáng tạo thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm hồn, nâng cao năng lực, trình độ thẩm mỹ hướng tới sự hoàn thiện nhân cách; bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo của công dân. Tiếp tục duy trì và tổ chức tốt “Giải thưởng văn học - nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ” theo định kỳ; “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Bình Dương” hằng năm; thường xuyên tổ chức các hoạt động sáng tác (Cuộc thi, trại sáng tác âm nhạc); tổ chức và tham gia triển lãm nghệ thuật ...

Thực hiện tốt chính sách dân số, chăm sóc y tế, rèn luyện sức khỏe, giáo dục thể chất. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2011- 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng, tăng cường công tác thể thao trong trường học, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Bình Dương, phát triển về trí tuệ và thể chất đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển khai các chương trình thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 (Bình Dương là một trong số các tỉnh, thành được chọn chỉ đạo trọng điểm).

2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nề nếp, ông, bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Mỗi trường học phải thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi rèn luyện con người về tri thức, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc, địa phương cho thế hệ trẻ.

Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị: Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng tiêu chí nếp sống văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phấn đấu hằng năm có trên 96% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 80% khu phố đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”, 60% ấp đạt danh hiệu “Ấp văn hóa”, 50 % Khu nhà trọ đạt danh hiệu “Khu nhà trọ văn hóa ” và trên 96% “Cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa”.

Phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở: đa dạng hóa các loại hình hoạt động, tăng cường đưa các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các đoàn nghệ thuật phục vụ nhân dân ở cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020: 100% huyện, thị xã, thành phố hoàn thành công trình thiết chế văn hóa - thể thao cơ bản (Trung tâm Văn hóa - Thể thao); 70% đến 80% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng), hoàn thành kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.

Khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tích cực, các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”. Khuyến khích các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, nhân ái, từ thiện như: Xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, tăng nhà tình thương cho người nghèo, quyên góp giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, bệnh tật, đồng bào bị thiên tai lũ lụt...

[...]