Kế hoạch 3211/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3211/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2023
Ngày có hiệu lực 25/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3211/KH-UBND

Kon Tum, ngày 25 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SÂM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và Quyết định số 3493/QĐ-BNN-LN ngày 18 tháng 8 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045";

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3011/SNN-KH ngày 08 tháng 9 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Chương trình), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển Sâm Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum, quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum thành vùng trồng Sâm Ngọc Linh trọng điểm của quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Đến năm 2030 diện tích rừng có trồng Sâm Ngọc Linh đạt trên 10.000 ha. Phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng, tăng nguồn thu của địa phương, nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng trồng sâm; Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên trường quốc tế.

2. Yêu cầu

- Phát triển Sâm Ngọc Linh gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đảm bảo cải thiện sinh kế cho người dân có tham gia vào Chương trình; sản phẩm Sâm Ngọc Linh hướng đến tiêu chuẩn GAP-WHO, GMP-WHO và tham gia vào sản xuất thuốc điều trị bệnh.

- Sâm Ngọc Linh được sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm OCOP, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ dưỡng cho nhu cầu thị trường bằng các công nghệ hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn GAP-WHO, GMP-WHO.

- Các đơn vị, địa phương rà soát, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp của Chương trình để tổ chức thực hiện.

- Tổ chức thực hiện Chương trình đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ Sâm Ngọc Linh.

- Đến năm 2030 tỉnh Kon Tum phát triển Sâm Ngọc Linh theo hướng chuỗi giá trị gia tăng quy mô hàng hóa.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh thành ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị kinh tế cao cho địa phương, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành dược liệu gồm: Sản phẩm OCOP, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ dưỡng, mỹ phẩm và thuốc dược liệu mang thương hiệu sản phẩm quốc gia..., nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu cụ thể

- Bảo tồn nguồn gen Sâm Ngọc Linh ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng.

- Diện tích có trồng Sâm Ngọc Linh đến năm 2025 khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); đến năm 2030 diện tích có trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây), trong đó diện tích trồng Sâm Ngọc Linh được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đến năm 2045, phát triển Sâm Ngọc Linh trong toàn bộ diện tích vùng chỉ dẫn địa lý, mở rộng vùng trồng ở nơi có điều kiện phù hợp.

- Sản lượng Sâm Ngọc Linh có thể khai thác từ năm 2025 đạt trên 20 tấn/năm (diện tích khai thác trên 60 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc vùng trồng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng Sâm Ngọc Linh theo tiêu chuẩn VietGap, GACP-WHO hoặc tương đương. Đến năm 2045, sản lượng có thể khai thác đạt 50 tấn/năm gắn với chế biến các sản phẩm như: OCOP, thực phẩm, thực phẩm bổ dưỡng, thực phẩm bổ sung, nước giải khát... từ nguyên liệu Sâm Ngọc Linh; đồng thời cung cấp nguyên liệu Sâm Ngọc Linh cho ngành Công nghiệp sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

- Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, đến năm 2030 hình thành các cơ sở sản xuất sản phẩm bằng công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP - WHO (thực hành sản xuất tốt).

- Đến năm 2045, Sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng chủ lực xuất khẩu, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

III. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SÂM NGỌC LINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

1. Quy hoạch vùng sản xuất Sâm Ngọc Linh

Tổng diện tích quy hoạch 31.742,8 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông trong đó:

- Quy hoạch vùng đệm: Diện tích 14.754,5 ha (độ cao từ 1.200 m - 1.500 m) hình thành vành đai bảo vệ vùng quy hoạch, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển sâm trong vùng quy hoạch.

- Quy hoạch vùng lõi (vùng trồng sâm): Diện tích 16.988,3 ha, có độ cao 1.500 m trở lên (gồm rừng giàu 9.826,5 ha, rừng trung bình 6.555,4 ha, rừng nghèo 606,4 ha).

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ