Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

Số hiệu 32/KH-UBND
Ngày ban hành 06/03/2020
Ngày có hiệu lực 06/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 06 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW NGÀY 3/9/2019 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Kế hoạch số 293-KH/TU ngày 2/12/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động, giảm thiểu vi phạm pháp luật lao động, phản bác các thông tin sai sự thật, ảnh hưởng xấu đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp, môi trường đầu tư và trật tự an toàn xã hội.

3. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; thực hiện dân chủ cơ sở và cơ chế đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp; giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của người lao động và các tranh chấp lao động phát sinh; bảo đảm các quyền hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Để kịp thời triển khai, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch 293-KH/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị các cấp Chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tăng cường sự chỉ đạo, quản lý của các sở, ngành, UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường việc chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; xem đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có vai trò quan trọng trong ổn định chính trị, xã hội; thúc đẩy môi trường đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm các quyền của người lao động và người sử dụng lao động.

- Tập trung triển khai, tuyên truyền Bộ luật Lao động năm 2019 và các quy định pháp luật lao động trong các doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, để tạo sự đồng thuận, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật trong doanh nghiệp; ngăn chặn và phản bác các thông tin sai sự thật, ảnh hưởng xấu đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp và an ninh chính trị, trật tự xã hội.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động.

- Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh, cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện phải bố trí cán bộ quản lý quan hệ lao động.

- Củng cố, thành lập Hội đồng trọng tài lao động và bổ nhiệm hòa giải viên lao động bảo đảm số lượng và tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp; kết hợp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lao động và quyền lợi hợp pháp của người lao động.

- Quản lý chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của tổ chức đại diện người lao động theo đúng quy định pháp luật lao động; bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của tổ chức đại diện người lao động.

- Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ lao động; quản lý kết nối thông tin, dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh; đầu tư và quản lý hiệu quả cơ sở dữ liệu ngân hàng lao động tỉnh, phát triển thị trường lao động.

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, thiết chế công đoàn và cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho người lao động.

- Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động trong các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh”.

- Phối hợp với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động thúc đẩy các hoạt động thương lượng, đối thoại, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động phát sinh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

- Tổng kết, đánh giá tình hình phối hợp giải quyết tranh chấp lao động, đình công; phối hợp giải quyết quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, khó khăn trong sản xuất kinh doanh hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

3. Thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể và giải quyết tốt tranh chấp lao động, đình công.

- Cơ quan quản lý nhà nước về lao động và UBND các cấp phối hợp với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp tổ chức đối thoại, thương lượng về các chính sách về lao động, tiền lương, thu nhập, phúc lợi, tiền thưởng, điều kiện làm việc... của người lao động trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế doanh nghiệp.

- Tổ chức giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động phát sinh, không để đình công tự phát xảy ra, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra biểu tình, đình công bạo lực, bạo loạn. Củng cố, kiện toàn đội ngũ trọng tài viên lao động, hòa giải viên lao động; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động cho trọng tài viên lao động, hòa giải viên lao động.

4. Phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng quan hệ lao động.

- Phối hợp với tổ chức công đoàn trong xây dựng và thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên công đoàn; phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật, đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp. Phối hợp thực hiện cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp.

- Tham gia, phối hợp và tạo điều kiện cho Mặt trận và các tổ chức thành viên tổ chức hoạt động trong doanh nghiệp và thực hiện cơ chế giám sát, phản biện trong doanh nghiệp nhằm tham gia xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

[...]