Kế hoạch 319/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 319/KH-UBND
Ngày ban hành 19/10/2021
Ngày có hiệu lực 19/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 319/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20 tháng 4 năm 2016 của Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Công văn số 4275/BYT-TCDS ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về Danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

Mặc dù từng bước được khống chế nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang ở mức cao và giảm chậm. Tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh còn ở mức mất cân đối và là một trong số các tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao (năm 2019: 112,8 bé trai/100 bé gái; năm 2020: 109,5 bé trai/100 bé gái). Nguyên nhân MCBGTKS ở Thừa Thiên Huế cũng giống như các địa phương khác trên toàn quốc. Bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đã được cải thiện trong thời gian qua, nhưng vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới mà cụ thể là tâm lý ưa thích con trai vẫn còn tồn tại trong bộ phận lớn người dân trong xã hội. Nguyên nhân được chỉ ra vẫn là sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh, cũng như đánh giá thấp giá trị của nữ giới. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi, chẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.

Việc lựa chọn giới tính trước sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em gái sẽ gia tăng,... Vì thế TSGTKS được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới. Hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.

Vì vậy, nỗ lực ngay từ bây giờ nhằm đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên là đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh nhà mai sau. Những xu hướng biến động của TSGTKS nói trên cho thấy những thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số này xuống 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và xuống 108 bé trai/100 bé gái sinh ra sống như mục tiêu của Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23 tháng 03 năm 2016 và Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiểm soát MCBGTKS, thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới.

- Tăng cường sự tham gia, phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn xã hội đối với việc thực hiện kiểm soát MCBGTKS.

2. Mc tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Từng bước khống chế và giảm tốc độ gia tăng TSGTKS (số trẻ trai/100 trẻ gái) tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức tự nhiên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu ổn định cơ cấu dân số, thúc đẩy bình đẳng giới, ổn định xã hội, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể

- Khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS, phấn đấu đến năm 2025 TSGTKS của tỉnh dưới mức 109 bé trai/100 bé gái.

- Giảm tốc độ gia tăng TSGTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 108 bé trai/100 bé gái năm 2030, để đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên.

c) Các chỉ tiêu đến năm 2025

- 85% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ông bà, cha mẹ được cung cấp thông tin và hiểu được thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS; 80% các cặp vợ chồng cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi.

- 95% cán bộ và nhân viên y tế, cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

- 95% các cơ sở giáo dục từ cấp Trung học cơ sở trở lên tiếp tục thực hiện việc giáo dục giới tính, bình đẳng giới, kiểm soát MCBGTKS thông qua các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

- 95% các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS, giá trị của trẻ em gái, vị thế của phụ nữ, bình đẳng giới.

- 90% vị thành niên/thanh niên, nam, nữ sắp kết hôn được cung cấp đầy đủ kiến thức về các hành vi vi phạm pháp luật về việc lựa chọn giới tính thai nhi; 90% trong số đó hiểu biết đầy đủ các hành vi vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi.

3. Yêu cầu

- Các hoạt động thực hiện nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về dân số và phát triển nói chung và kiểm soát MCBGTKS.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.

[...]