Kế hoạch 318/KH-UBND năm 2022 về Khuyến nông thành phố Hà Nội năm 2023

Số hiệu 318/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2022
Ngày có hiệu lực 08/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 318/KH-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Căn cứ: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông; Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Chương trình Khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025; Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2022 và theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 380/TTr-SNN ngày 18/11/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Khuyến nông thành phố Hà Nội năm 2023 như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

- Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo nhu cầu thực tiễn của các địa phương.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các sản phẩm thiết yếu, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp.

- Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần ổn định an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

- Phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuyên truyền chủ trương chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, giới thiệu các các sản phẩm nông sản chủ lực, các sản phẩm theo chuỗi trên địa bàn thành phố.

- Tập huấn cho hơn 14.000 lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng cao, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Chuyển giao công nghệ thông qua các hình trình diễn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế tăng 10-20% so với sản xuất ngoài mô hình.

II. Nội dung Kế hoạch

1. Tập huấn thường xuyên

1.1. Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng tác viên khuyến nông: Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ và chuyên môn, phương pháp, kỹ năng khuyến nông; bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật cho 80 cán bộ ngành nông nghiệp, cộng tác viên khuyến nông. Nội dung tập huấn: Vai trò của cán bộ khuyến nông trong công tác thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Kỹ năng, phương pháp thuyết trình và làm việc nhóm cho cán bộ khuyến nông, ứng dụng kỹ thuật chuyển đổi số trong nông nghiệp,...

1.2. Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp

a) Tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị

Tổ chức tập huấn các kiến thức về chuỗi giá trị nông sản và các khâu hình thành chuỗi cho khoảng 300 nông dân sản xuất hàng hóa, thành viên các hợp tác xã, trang trại sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở chế biến tiêu thụ. Nội dung tập huấn: Tổ chức tập huấn các kiến thức về phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các khâu hình thành chuỗi, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, tạo dựng thương hiệu sản phẩm.

b) Tập huấn trang bị kiến thức và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân.

Tổ chức tập huấn các kiến thức sản xuất nông nghiệp theo thời vụ nông dân sản xuất hàng hóa. Nội dung tập huấn: Các kiến thức sản xuất nông nghiệp theo thời vụ: kỹ thuật chăm sóc một số cây trồng chính, vật nuôi chính từng thời vụ (trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, thủy lợi,...); một số bệnh thường gặp trên cây trồng, vật nuôi và cách phòng trừ.

c) Bồi dưỡng nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý, kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, mô hình trang trại.

Tổ chức tập huấn cho nông dân sản xuất hàng hóa, thành viên các hợp tác xã, trang trại sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở chế biến tiêu thụ. Nội dung tập huấn: Tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao: những vấn đề cơ bản về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tìm hiểu về nền nông nghiệp 4.0; chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp; một số kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp công nghệ cao,...; tập huấn về quản lý, kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, mô hình trang trại, xử lý rác thải hữu cơ,...

1.3. Tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến

Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến cho nông dân sản xuất hàng hóa, thành viên các hợp tác xã, trang trại sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở chế biến tiêu thụ.

Nội dung tập huấn: Tổ chức tập huấn cách xây dựng, áp dụng quy trình quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng chuyên canh trên địa bàn thành phố Hà Nội, hướng đến xuất khẩu vào thị trường quốc tế và phục vụ người tiêu dùng thủ đô. Thực hành đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

[...]