Quyết định 449/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Chương trình Khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 449/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/01/2020
Ngày có hiệu lực 22/01/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 449/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2020-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 1360/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/4/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chương trình Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 492/TTr-SNN ngày 26/12/2019 và Hội đồng thẩm định Chương trình Khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 tại Biên bản họp 24/12/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Khuyến nông thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 kèm theo Quyết định này (có Chương trình chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Kho bạc Nhà nước Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Các Bộ: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư;
- TTr: Thành ủy, HĐND TP (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND Thành phố;
- Các Ban HĐND Thành phố;
- UBMTTQ và các đoàn thể TP;
- VPUB: CVP, các PVP; KT, TKBT;
- Công báo, Cổng TTĐT Thành phố;
- Lưu: VT, KT
Vân

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 449/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2015-2019

I. Kết quả đạt được:

Trong những năm qua (2015-2019), Thành phố luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công tác Khuyến nông. Thông qua hoạt động Khuyến nông Thành phố đã xây dựng và thực hiện được nhiều mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và bước đầu gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao tích cực, cụ thể như:

1. Trong lĩnh vực trồng trọt: Đã triển khai 27 dạng mô hình tại 323 điểm trình diễn với trên 17.700 hộ tham gia. Mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao; Mô hình trình diễn lúa cấy bằng máy và sản xuất mạ khay, cấy máy; Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ;...đã giới thiệu và trình diễn cho nhân dân nhiều giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng hạt gạo ngon đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng hiệu quả trong sản xuất lúa từ 10 - 15%. Thông qua các mô hình đã đưa diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao lên 55%, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đến nay tại nhiều địa phương đã hình thành các tổ, đội dịch vụ chuyên sản xuất mạ khay và cấy lúa bằng máy đem lại hiệu quả cao như ở Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ứng Hòa, Thanh Trì, Đông Anh, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Bên cạnh đó là các mô hình sản xuất hoa lan, hoa lily, hoa hồng...giống mới đã được triển khai nhân rộng tại các vùng sản xuất hoa tập trung như Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức.... đã làm tăng hiệu quả sản xuất, phong phú thêm chủng loại, màu sắc, kiểu dáng ... đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người Hà Nội.

Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao như duy trì được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô từ 50-100ha/vùng tại 86 Hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện, giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25-30%, xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, giá trị đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, hình thành 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20 ha/vùng, giá trị đạt từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, có nơi đạt 2 tỷ/ha/năm. Hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung quy mô từ 50-100ha trở lên như vùng trồng bưởi tại Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng nhãn tại Hoài Đức, Quốc Oai cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/ha; vùng trồng cam tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức,… cho thu nhập từ 700-800 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt năm 2018, lần đầu tiên sản phẩm nhãn chín muộn trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất khẩu được 19 tấn đi Mỹ và châu Âu, mở ra triển vọng mới cho thị trường cây ăn quả đặc sản.

2. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Đã triển khai 15 dạng mô hình, trong đó: Chăn nuôi 08 dạng mô hình, thủy sản 07 dạng mô hình tại 184 điểm với trên 1.160 hộ dân tham gia.

Các mô hình chăn nuôi gà mía thả vườn an toàn sinh học; sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn quy mô 300.000 con triển khai trên địa bàn 12 huyện, thị xã: Hoài Đức, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín. Với ưu điểm lông đẹp, mào cờ, da vàng, thịt thơm ngon phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên dễ bán, hiệu quả kinh tế cao. Thành công từ mô hình góp phần hình thành Hiệp hội chăn nuôi gà đồi huyện Ba Vì, Sóc Sơn; Mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm triển khai trên địa bàn 08 huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm; Phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư gồm 02 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn, 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Phát triển 76 xã chăn nuôi trọng điểm, gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm.

Mô hình Nuôi cá rô phi giống mới (giống Đường Thành, rô phi Novit) nuôi an toàn sinh học triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã: Sơn Tây, Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Thanh Trì, Sóc Sơn. Qua thực tế triển khai cho thấy, sử dụng giống mới cùng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản, quan tâm chú trọng đến khâu quản lý môi trường nước, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao: năng suất đạt 17 tấn - 20 tấn/ha, lợi nhuận tăng hơn so với nuôi giống cá cũ 40 - 50 (triệu đồng/ha). Mô hình nuôi thâm canh cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao” với quy mô 31 ha triển khai trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ; bước đầu được đánh giá có hiệu quả cao: tiết kiệm thức ăn, nguồn nước nuôi, quản lý được dịch bệnh, giảm công lao động, năng suất cao. Đã chuyển đổi được 220 ha diện tích ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp với trồng cây ăn quả, du lịch sinh thái. Hình thành 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì, Thanh Trì, Chương Mỹ và Thường Tín.

Các mô hình khuyến nông chăn nuôi, thủy sản đã góp phần xây dựng những vùng sản xuất quy mô tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế và thay đổi nhận thức người nuôi tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, làm tiền đề cho việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học, hướng đến xuất khẩu.

[...]