Kế hoạch 3128/KH-UBND năm 2022 về kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 3128/KH-UBND
Ngày ban hành 18/07/2022
Ngày có hiệu lực 18/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phan Tấn Cảnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3128/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 18 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÁC CƠ SỞ KINH DOANH, SẢN XUẤT, KHO HÀNG CÓ NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ CAO TRONG KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thời gian gần đây tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là xảy ra các vụ cháy lớn tại cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho chứa hàng hóa trong khu dân cư đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, như: Vụ cháy tại xưởng cắt vải nhà ông Nguyễn Đức Văn, thôn Vân, xã Hợp Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 25/4/2022 làm 01 người chết; vụ cháy tại kho chứa hàng thuộc Công ty TNHH thương mại, sản xuất Phát Thành, phường 5, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/4/2022, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng;... Trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 10 vụ cháy, tuy không có thiệt hại về người nhưng tài sản thiệt hại ước tính trị giá hơn 4 tỷ đồng, trong đó có 03 vụ cháy xảy ra tại cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho chứa hàng hóa trong khu dân cư, thiệt hại ước tính 199 triệu đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho hàng hóa có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư; đặc biệt là các loại hình cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho hàng xây dựng tạm trên các khu đất đang chờ sử dụng cho các mục đích khác. Xác định và làm rõ trách nhiệm của chủ cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan cấp phép xây dựng...) trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC tại khu dân cư, công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, bảo đảm hạ tầng về PCCC.

3. Kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót tại các nhà xưởng, kho chứa hàng hóa để hướng dẫn kiến nghị cơ sở thực hiện bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, công nhân viên trong việc chấp hành các quy định nhà nước về PCCC, xây dựng, môi trường,...

4. Kiến nghị chính quyền địa phương có phương án di dời các cơ sở sản xuất có nguy hiểm cháy, nổ ra khỏi khu dân cư; chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng xây dựng tạm chưa được cấp phép xây dựng.

5. Công tác kiểm tra phải đảm bảo khách quan, toàn diện, tuân thủ các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

II. ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA

Các cơ sở kinh doanh (nhà hàng tiệc cưới, gara xe,...), sản xuất (xưởng gỗ, xưởng gia công may mặc,...), kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư; đặc biệt lưu ý đối với các nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng xây dựng tạm trên các khu đất đang chờ sử dụng cho mục đích khác chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.

III. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

Kiểm tra hồ sơ cấp phép xây dựng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng; kiểm tra việc tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục trong quá trình đầu tư xây dựng công trình Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,...

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra. Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt tại khu vực cơ sở được kiểm tra.

3. Sở Công Thương

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực công thương của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

4. Công an tỉnh

a) Kiểm tra hồ sơ thẩm duyệt về PCCC; việc thực hiện trách nhiệm PCCC của người đứng đầu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Luật PCCC năm 2001. Việc chấp hành chế độ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Nghị định số 97/2021 ngày 18/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

b) Kiểm tra thực tế các điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 và các quy định pháp luật có liên quan.

IV. PHƯƠNG PHÁP, THỜI GIAN, THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA

1. Phương pháp kiểm tra

a) Đoàn kiểm tra làm việc với đại diện người đứng đầu cơ sở, nghe báo cáo tình hình, kết quả việc thực hiện các quy định của pháp luật của nhà nước về đầu tư, xây dựng, môi trường và PCCC, những thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các quy định và biện pháp bảo đảm tại cơ sở.

b) Tiến hành kiểm tra hồ sơ, thực tế của các cơ sở.

c) Đoàn kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện; đại diện các cơ sở phản ánh, đề xuất, kiến nghị (nếu có).

d) Đại diện đoàn kiểm tra kết luận và thông qua biên bản kiểm tra.

[...]