Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3114/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 37/CT-TTg về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 3114/KH-UBND
Ngày ban hành 26/05/2021
Ngày có hiệu lực 26/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Hồng Quang
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3114/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 26 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37/CT-TTG NGÀY 29/9/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA VÀ VẬN TẢI VEN BIỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 37/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng và tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, đảm bảo đạt được các mục tiêu của vận tải đường thủy nội địa đã đặt ra trong thời gian tới.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện đồng bộ Kế hoạch với các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan đến vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, trên cơ sở bám sát nội dung Chỉ thị số 37/CT-TTg và tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo thiết thực và có hiệu quả.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Các Sở, Ban, ngành, địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Nhiệm vụ

a) Tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, kết hợp với phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

b) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa phù hợp với quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục hành chính đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa.

c) Tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đến vận tải thủy nội địa; trong đó lưu ý tăng cường kết nối đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức nhằm nâng cao tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

d) Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt ưu tiên các dự án giao thông kết nối với các cảng, bến thủy nội địa quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm.

2. Giải pháp

a) Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi quỹ đất đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa theo quy hoạch; chú trọng nâng cấp, mở rộng, phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa theo hướng công nghiệp hiện đại; quy hoạch bãi đổ chất thải, nạo vét luồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo và nâng cao năng lực khai thác các cảng, bến thủy nội địa; nạo vét vùng nước trước các cảng, bến thủy nội địa đảm bảo phương tiện ra, vào thuận tiện, an toàn; thu hút đầu tư phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển các đội tàu vận tải với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

b) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa địa phương; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiên quyết giải toả các công trình xây dựng, nuôi trồng, khai thác thủy sản lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa.

c) Kiểm tra, giải tỏa các bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ không để các bến không đủ điều kiện hoạt động; gắn trách nhiệm của người lãnh đạo đứng đầu địa phương nếu để tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép.

d) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa; khuyến khích, kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; giải quyết các vướng mắc, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa; đặc biệt là những bất cập trong cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa theo Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác lập, tổ chức thực hiện các quy hoạch lĩnh vực giao thông vận tải đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; nghiên cứu quy hoạch bến, cảng hàng hóa khu vực cửa biển để kết nối thuận lợi với tuyến vận tải ven bờ và hàng hải, thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa;

c) Xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương và khả năng nguồn vốn thực hiện, khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng. Tiếp tục tổ chức khai thác, bảo trì có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hiện có; rà soát, công bố, quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo; hoàn thiện hệ thống phao tiêu báo hiệu, công trình hỗ trợ phục vụ vận tải thủy nội địa;

d) Chủ trì, phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan tổ chức điều tra, tổng hợp phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, đơn vị kinh doanh vận tải thủy trên địa bàn tỉnh và có giải pháp nâng cao công tác quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy; kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết trong công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; kiểm tra quản lý chặt chẽ việc cấp phép bến thủy nội địa phục vụ tập kết cát, sỏi lòng sông theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ giấy phép của các bến, bãi; ngăn chặn các trường hợp lưu thông, neo đậu không đúng quy định gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa;

đ) Chủ trì, phối hợp với các ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai xây dựng đầu tư mới, sửa chữa các bến thủy nội địa để kết nối các khu, điểm du lịch đã hoạt động đón khách du lịch trên địa bàn tỉnh;

e) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch và theo dõi, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo trong quá trình thực hiện.

[...]