Chỉ thị 37/CT-TTg năm 2020 về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 37/CT-TTg
Ngày ban hành 29/09/2020
Ngày có hiệu lực 29/09/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/CT-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VẬN TẢI THỦY NỘI ĐỊA VÀ VẬN TẢI VEN BIỂN BẰNG PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Việt Nam có hệ thống sông, kênh mật độ dày và đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh lớn, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy, ven biển rất thuận lợi, liên thông giữa các địa phương, các vùng kinh tế và một số quốc gia lân cận. Cả nước có khoảng 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải thủy, trong đó có 45 tuyến vận tải thủy chính, quan trọng với tổng chiều dài hơn 7.000 km do trung ương quản lý. Vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển có ưu thế về giá cước thấp, vận tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, ít ô nhiễm môi trường và an toàn. Đây là phương thức vận tải có tính xã hội hóa cao, nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh và khai thác.

Nhằm phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên và ưu thế của vận tải đường thủy nội địa, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2019, khối lượng vận tải hàng hóa đạt hơn 300 triệu tấn, chiếm 18,02% toàn ngành, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 63 tỷ tấn.km, chiếm 19,66% toàn ngành; tốc độ tăng trưởng vận chuyển bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt 10,08%/năm (cao hơn 1,44 lần so với giai đoạn 2011 - 2015). Tuy nhiên, hiện tại còn một số vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, đó là: Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014 bộc lộ những bất cập so với nhu cầu phát triển của giao thông vận tải thủy nội địa; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, kết nối chưa tốt với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ logistics còn thấp; năng lực đóng mới, sửa chữa, hoán cải và quản lý khai thác phương tiện thủy nội địa hạn chế; trình độ đội ngũ thuyền viên còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển… Cùng với những vấn đề trên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội cả nước nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng, trong đó có vận tải thủy nội địa. Sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa và luân chuyển vận tải đường thủy nội địa đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong 5 tháng đầu năm 2020 đã giảm từ 6,6% đến 10,4%.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, sớm khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đảm bảo đạt được các mục tiêu của vận tải đường thủy nội địa đã đặt ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp như sau:

I. NHIỆM VỤ TỔNG THỂ

Các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao có kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ chính sau đây:

1. Tiếp tục tập trung triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 đối với lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

2. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ hơn nữa đối với vận tải thủy nội địa; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản thủ tục hành chính đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa.

3. Tập trung nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đến vận tải thủy nội địa, trong đó lưu ý tăng cường kết nối đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

4. Quản lý và sử dụng hiệu quả vốn trong đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt ưu tiên các dự án giao thông kết nối với các cảng, bến thủy nội địa quy mô lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm.

5. Thu hút đầu tư phát triển cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển đội tàu vận tải với chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

7. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, song song với việc tổ chức, triển khai hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể liên quan đến vận tải thủy nội địa, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp...

II. GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Bộ Giao thông vận tải triển khai các nhiệm vụ sau:

a) Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, cụ thể như sau:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát để đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa theo hướng tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, giải quyết triệt để các vướng mắc, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải thủy ở tất cả các khâu như bốc xếp hàng hóa, bảo hiểm hàng hóa, giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải, người vận tải; thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển đối với phương tiện vận tải thủy nội địa; quy chuẩn kỹ thuật về an toàn và ô nhiễm môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là phương tiện thủy nội địa vận tải ven bờ biển (phương tiện mang cấp VR-SB);

- Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025;

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa;

- Xây dựng kế hoạch và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận tổng điều tra phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nhằm nâng cao công tác quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy; đổi mới mô hình dạy và học để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa;

- Tổ chức đánh giá công tác quản lý tuyến vận tải ven biển và tình trạng hoạt động phương tiện mang cấp VR-SB, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tuyến vận tải ven biển và hoạt động của phương tiện mang cấp VR-SB đảm bảo an toàn, hiệu quả;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan quy định đến đóng phí của phương tiện thủy nội địa theo nguyên tắc phương tiện thủy nội địa chỉ phải đóng phí tải trọng một lần khi vào khu vực cảng có hai vùng nước hàng hải và đường thủy nội địa trong cùng một chuyến đi.

b) Tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng công tác lập, tổ chức thực hiện các quy hoạch lĩnh vực giao thông vận tải đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; phù hợp với chiến lược, quy hoạch quốc gia, các quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan nhằm gắn kết tốt với trung tâm logistics, cảng cạn.

c) Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics:

- Kêu gọi đầu tư phát triển các cảng thủy nội địa khai thác hàng công-ten-nơ có chức năng đầu mối tại khu vực phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long với cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp đồng bộ, hiện đại nhằm gia tăng nhanh thị phần vận tải công-ten-nơ bằng đường thủy nội địa;

- Ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, bến phao neo trong vùng nước cảng biển (Hải Phòng, Nghi Sơn; Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh …) nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển tại khu vực, giảm thiểu tình trạng phương tiện thủy nội địa phải chờ làm hàng, bốc xếp hàng hóa do thiếu cảng, bến; từ đó tạo điều kiện kết nối tốt các cảng biển với các khu vực hậu phương, vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong nội địa bằng đường thủy nội địa;

- Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa ở khu vực phía Nam, các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải;

[...]