Quyết định 47/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 47/2015/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/10/2015
Ngày có hiệu lực 01/12/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2015/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, đào tạo, quản lý, khai thác trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gồm đường thủy nội địa; hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa; khu neo đậu ngoài cảng; kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ khác.

2. Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

3. Phương tiện thủy nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.

4. Tàu khách cao tốc là tàu, thuyền có tốc độ lớn nhất được tính bằng mét/giây (m/s) hoặc hải lý/giờ (kt) bằng hoặc lớn hơn trị số tính theo công thức sau đây:

V ³ 3,7 Δ0,1667 (m/s)

hoặc V ³ 7,1992 Δ0,1667 (kt)

Trong đó:

Δ: Thể tích lượng chiếm nước tương ứng với đường nước thiết kế cao nhất (m3).

5. Hoạt động vận tải công-ten-nơ trên đường thủy nội địa là việc sử dụng phương tiện thủy nội địa để chở công-ten-nơ trên các tuyến đường thủy nội địa.

6. Hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa là việc sử dụng phương tiện thủy nội địa để chở khách trên các tuyến đường thủy nội địa.

7. Xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu là các xã có tiêu chí được quy định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và có hoạt động giao thông đường thủy nội địa.

Điều 4. Cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

[...]