Kế hoạch 3103/KH-UBND năm 2022 củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 3103/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2022
Ngày có hiệu lực 31/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3103/KH-UBND

Gia Lai, ngày 31 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN GIAI ĐOẠN 2022-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên

a) Số lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên

Toàn tỉnh hiện có 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và 01 Trung tâm GDTX tỉnh. Trong khoảng 4 năm trở lại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang diễn ra xu thế giải thể các trung tâm GDTX. Từ 14 trung tâm GDNN-GDTX năm 2018, đến nay còn 12 trung tâm, trong đó có 02 trung tâm đang trong quá trình thực hiện các bước giải thể (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Pưh, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Thiện) và 01 trung tâm đang xây dựng lộ trình giải thể vào năm 2024 (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đak Pơ).

b) Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên hiện có của các trung tâm GDNN-GDTX là 147 người, trong đó cán bộ quản lý là 22 người, giáo viên là 88 người và nhân viên là 19 người. Các trung tâm GDNN-GDTX đều có cán bộ quản lý, cơ bản đảm bảo công tác quản lý hoạt động trung tâm. Đội ngũ giáo viên trong hệ thống các cơ sở giáo dục có chức năng dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) hệ GDTX hiện đang thiếu, để tổ chức dạy học đủ các môn của chương trình GDPT hệ GDTX, các đơn vị đều phải hợp đồng giáo viên (chủ yếu từ các trường phổ thông). Số giáo viên nghề có tay nghề, bậc thợ cao, có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chiếm tỉ lệ chưa cao; đội ngũ giáo viên nghề các trung tâm GDNN-GDTX còn thiếu (các trung tâm GDNN-GDTX đang thiếu giáo viên cơ hữu như: Chư Păh, Đak Pơ, Đak Đoa, Ia Grai, Kbang, Mang Yang), khi mở lớp đào tạo nghề phải hợp đồng thỉnh giảng giáo viên.

c) Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

Nhìn chung, các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX đều chưa đáp ứng tối thiểu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Những yêu cầu thiết yếu không thể thiếu trong một cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT như thư viện, phòng thí nghiệm/thực hành, đồ dùng dạy học các môn học đều không có hoặc thiếu, nhiều đơn vị không đáp ứng thiết bị công nghệ cần thiết để có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học. Việc sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm máy móc thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề được quản lý và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ ở mức độ nhất định, kinh phí đối ứng của địa phương còn hạn chế nên xây dựng mới các Trung tâm GDNN - GDTX chưa được hoàn thiện còn thiếu một số hạng mục công trình như nhà ăn, nhà ở giáo viên, nhà ở học sinh… Một số trung tâm GDNN - GDTX sau khi sáp nhập và bổ sung chức năng nhiệm vụ như: Chư Pưh, Phú Thiện chưa có trụ sở làm việc riêng, mượn phòng làm việc và phòng học của Trung tâm Chính trị huyện để hoạt động.

d) Đánh giá hiệu quả hoạt động, vai trò trong giai đoạn 2022-2030

- Đối với lĩnh vực GDTX:

+ Trong nhiều năm qua, các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX đã góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh. Nhiều học viên không có điều kiện học văn hóa hệ phổ thông đã tham gia học tập văn hóa hệ GDTX, nhờ đó học viên có nền tảng kiến thức để tiếp tục tham gia vào các hình thức học tập khác hoặc tham gia vào đời sống sản xuất; tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm gần đây đối với học viên trung tâm GDTX, GDNN-GDTX có chuyển biến tích cực. Một số trung tâm GDNN-GDTX đã chủ động liên kết với trường nghề để dạy học văn hóa kết hợp dạy nghề, hoặc dạy học văn hóa kết hợp với dạy sơ cấp nghề cho học viên…Tuy nhiên, còn một số trung tâm GDNN-GDTX trong những năm gần đây có rất ít hoạt động trong lĩnh vực GDTX.

+ Trong giai đoạn 2022-2030 các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX tiếp tục phát huy vai trò trong công tác dạy văn hóa, dạy văn hóa với dạy nghề và các chương trình bồi dưỡng khác, đặc biệt là công tác thực hiện Chương trình GDPT hệ GDTX theo quy định của Luật Giáo dục 2019, góp phần vào công tác phân luồng, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp.

- Đối với lĩnh vực GDNN

+ Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời của các sở, ban, ngành và các địa phương, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về GDNN, công tác đào tạo đã tổ chức triển khai thực hiện đạt được một số kết quả như sau: Trong giai đoạn 2018 - 2021, Trung tâm GDNN

- GDTX các huyện đã tuyển sinh và đào tạo 11.507 lao động, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

+ Giai đoạn năm 2022-2030 phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh và đất nước; chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và lĩnh vực dịch vụ thương mại. Do đó, các trung tâm GDNN-GDTX có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động đến năm 2030.

2. Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)

a) Thực trạng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng

Toàn tỉnh hiện có 220 TTHTCĐ/220 xã, phường, thị trấn trong nhiều năm qua các TTHTCĐ đã tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức, phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội…; phối hợp tổ chức các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; tham gia mở các lớp xóa mù chữ góp phần củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại địa phương. Người tham dự các lớp chuyên đề tại các TTHTCĐ thuộc nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có nhiều học viên thuộc đối tượng lao động của các thôn bản tham gia học tập cập nhật kiến thức phục vụ cho công tác sản xuất.

Bên cạnh mặt tích cực, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Ban Giám đốc, cộng tác báo cáo viên của TTHTCĐ không ổn định (còn có thay đổi nhân sự hàng năm), do đó chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và thời gian tập trung cho tổ chức TTHTCĐ; cơ sở vật chất phục vụ cho tổ chức hoạt động còn thiếu, việc biệt phái giáo viên sang hoạt động tại TTHTCĐ mới triển khai thực hiện được ở một số đơn vị cấp huyện… nên còn một số TTHTCĐ hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò theo đúng chức năng, nhiệm vụ tại địa phương.

b) Đánh giá hiệu quả hoạt động, vai trò trong giai đoạn 2022-2030

- Các TTHTCĐ đã có nhiều đóng góp vào việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập tại địa phương trong giai đoạn 2012-2020.

- Các TTHTCĐ với thế mạnh là đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động kiêm nhiệm, là lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tại địa phương nên nắm bắt đặc điểm tình hình thực tế trên địa bàn, có nhiều thuận lợi trong công tác triển khai các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, giao lưu văn hóa…

- Trong giai đoạn 2022-2030, cần phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ quản lý TTHTCĐ là những người hoạt động kiêm nhiệm trực tiếp đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại địa phương để phát huy chức năng, vai trò của các TTHTCĐ, góp phần xây dựng xã hội học tập tại địa bàn.

3. Trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, kỹ năng sống

[...]